Sáng ngày 24/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tại tổ 8, các đại biểu cho rằng, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đưa ra định hướng lớn phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.
THẢO LUẬN TỔ 14: ĐẢM BẢO CHỦ TRƯƠNG CỦA TRUNG ƯƠNG ĐƯỢC THỰC HIỆN HIỆU QUẢ TRÊN THỰC TIỄN
Tổ 8 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Cần thơ, Vĩnh Long, Bình Định và Điện Biên.
Tại phiên họp tổ, đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực điều hành kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi nước ta cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra. Đồng thời đại biểu đánh giá cao sự đổi mới sáng tạo, và những quyết sách kịp thời hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của các địa phương, nhân dân, các tổ chức, chuyên gia tư vấn, nhà khoa học, doanh nghiệp, các cử tri; để tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 8 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Cần thơ, Vĩnh Long, Bình Định và Điện Biên
Bên cạnh kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm…, điểm sáng nền tảng nhất là về đầu tư công. Chúng ta đã triển khai, hoàn thành một số công trình hạ tầng trọng điểm quan trọng, như các cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vân Đồn - Móng Cái…, qua đó giúp năng lực vận chuyển được cải thiện, giảm chi phí logistics vốn là trở ngại lớn đã tồn tại trong nhiều năm.
Đáng chú ý, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023, đạt nhiều thành tựu quan trọng có tính lịch sử, tạo thời cơ, vận hội mới, để phát triển đất nước và nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đến nay, nước ta đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nhiều nước G20; góp phần duy trì được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long
Đề cập đến chiến lược phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh nổi trội. Nghị quyết 13 Bộ Chính trị được ban hành đã khẳng định quyết tâm xây dựng đây là vùng kinh tế trọng điểm khu vực và cả nước với 13 tỉnh, thành phố với diện tích tự nhiên gần 4 triệu km2 (khoảng 13% diện tích cả nước), dân số khoảng 18 triệu người (19% cả nước) có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh nổi trội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách. Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị được ban hành một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán và sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến sự phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, quyết tâm xây dựng và phát triển để ĐBSCL thực sự trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.
Các đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Nhưng, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nêu thực tế tại ĐBSCL, hiện tượng ngập lụt, sụt lún đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và khó lường. Điều này đã gây thiệt hại đến nuôi trồng, sản xuất, chế biến nông sản cũng tác động đến nhiều mặt đời sống của người dân, cản trở sự phát triển của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Theo dự báo của Viện Tài nguyên thế giới, nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích ĐBSCL bị ngập, lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp không còn khả năng canh tác. Chính vì thế cần phải có sự đầu tư lớn về nguồn lực và sớm triển khai thực hiện Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư, định hướng rõ hơn về phát triển bền vững, đặc biệtlà thực trạng và tác động của hạn mặn, ngập lụt đến vùng ĐBSCL thời gian qua và những dự báo trong thời gian tới. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm hỗ trợ các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long chuẩn bị đảm bảo các điều kiện triển khai dự án cầu Đình Khao, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng kết nối đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội. Phát triển giao thông theo hướng liên hoàn, kết nối nội tỉnh và liên vùng; gia tăng năng lực sản xuất, từng bước hình thành không gian phát triển mới, các hành lang, tuyến kinh tế, đô thị, công nghiệp, du lịch trọng điểm trong tỉnh; tăng khả năng giao thương, mở rộng thị trường, kết nối thông suốt với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ.
Theo đó, đề nghị Quốc hội nghiên cứu hỗ trợ tăng 2% chi NSNN cho các tỉnh chưa cân đối được ngân sách. Việc các chính sách tăng, giảm đối tượng trong giai đoạn ổn định là yếu tố khách quan, tuy nhiên đối với 45 tỉnh chưa cân đối được ngân sách, không bảo đảm được nguồn lực đối với kinh phí phát sinh tăng thêm sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị Uỷ ban của Quốc hội nghiên cứu có cơ chế này cho các tỉnh trong điều kiện các tỉnh đang trong giai đoạn khó khăn có thể giải quyết các nội dung về anh sinh, chế độ cho các bộ cơ sở hiện nay rất thấp
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ 8
Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết để giải quyết các vấn đề trước mắt cho Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã quyết định chi theo đề xuất ban đầu là 4.000 tỉ đồng. Qua thực tế khảo sát, vùng có tình trạng sạt lở, sụn lún, hạn hán và ngập mặn, đặc biệt là ở các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau…Hiện Chính phủ đã giao cho các bộ ngành đề xuất, quyết định chi cho các tỉnh để tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến sạt lở, ngập mặn. Theo thủ tướng Phạm Minh Chính, để hiệu quả, cần phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực và có cơ chế kiểm tra, đánh giá, giám sát sao cho có hiệu quả, đúng và trúng, từ đó rút kinh nghiệm cho những việc làm tiếp theo. Về lâu dài, theo Thủ tướng cần tính toán các dự án căn cơ để chống sạt lở, sụt lún.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu 3 thách thức lớn của Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung. Hiện không chỉ biến đổi khí hậu cực đoan, Việt Nam còn có trách nhiệm cùng thế giới ngăn chặn sự nóng lên của Trái đất, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vì vậy, cùng với việc xử lý những vấn đề trước mắt, Đồng bằng sông Cửu Long phải huy động nguồn lực để làm những dự án lớn, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo để thực hiện đề án phát triển 1 triệu ha lúa sạch, nông nghiệp xanh nhằm đảm bảo an ninh lương thực, vừa xuất khẩu bền vững. Mới đây gặp tổng thống Philippines, Indonesia Việt Nam đã đặt vấn đề ký hợp đồng Chính phủ về lúa gạo, thúc đẩy xuất khẩu gạo cho người nông dân hiệu quả, bền vững. Thêm nữa, Chính phủ cũng đang làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) để triển khai các thỏa thuận nhằm giải quyết vấn đề của Đồng bằng sông Cửu Long liên quan tới chống biến đổi khí hậu, với tư duy và cách làm mới nhằm giải quyết các vấn đề căn cơ hơn.
Đồng thời, nhiều dự án hạ tầng giao thông đang được triển khai như dự án tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận kết nối Cần Thơ - TP.HCM; xây dựng trục Bắc - Nam đi từ TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau; trục Đông Tây gồm Sóc Trăng - Cần Thơ - Hậu Giang - An Giang; nghiên cứu xây dựng hệ thống cầu cạn, đầu tư đường hàng không, đường sắt như nâng cấp sân bay Cà Mau; nghiên cứu làm tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam…
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính Trung ương và địa phương phải cùng quyết tâm làm, tháo gỡ vướng mắc. Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Quốc hội, các đại biểu và các địa phương cùng chung tay, tập trung chỉ đạo dành nguồn lực, thúc đẩy hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực của cả trung ương và địa phương, quyết tâm để thực hiện. Tuyên truyền cho nhân dân đầu tư, nghiên cứu sản xuất sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường...
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện đầu tư không thể tư duy theo lối dàn trải, manh mún mà cần xác định đầu tư có trọng tâm trọng điểm, phải có phối hợp công tư, trung ương, địa phương và Nhà nước, làm đến đâu dứt điểm đến đó, quyết tâm thực hiện. Do vậy, các địa phương phải cùng chung sức, chung lòng, tháo gỡ vướng mắc, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ thì mới triển khai được hiệu quả những dự án, mang lại tín hiệu tích cực phát triển kinh tế vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tác giả bài viết: quochoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn