Đại biểu Quốc hội góp ý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)

Thứ năm - 26/10/2023 08:00

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, chiều 25.10, các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Định tham gia thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Cần phân nhóm số thuê bao điện thoại để đấu giá

Góp ý về nội dung đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh đồng ý với nội dung ghi tại điểm c, khoản 4, Điều 50 là “Giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng Cục Thống kê tính cho một ngày”.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh Cần cho rằng cần phân nhóm số thuê bao điện thoại để đấu giá. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều số thuê bao có giá trị cao đến vài nghìn, thậm chí vài chục nghìn lần giá khởi điểm. “Theo tôi, chúng ta cần phân nhóm những số có giá trị tiềm năng cao, điều này vừa tăng thu cho ngân sách, vừa giảm số lượng người trúng đấu giá mà không lấy vì sẽ phải mất nhiều tiền cọc. Nếu không phân nhóm thì sẽ xảy ra nhiều trường hợp bỏ cọc khi nhiều số trúng đấu giá lên vài chục, vài trăm triệu hoặc thậm chí vài tỷ đồng, người trúng đấu giá sau đó thấy không phù hợp với nhu cầu thì họ sẽ trả lại số đấu giá và chỉ mất cọc (có thể tương đương giá khởi điểm chỉ có 262.000 đồng nếu tính theo GDP năm 2022)”, ĐB Cảnh phân tích.

Vậy đâu là những số có giá trị cao? Như đã từng phát biểu khi góp ý vào Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, người dân chia số đẹp thành 2 nhóm. Nhóm theo quan niệm dân gian có các số như 39, 79, 86… và nhóm có các chữ số sắp xếp theo quy tắc khoa học như những số có các chữ số giống nhau, số tiến, số lặp lại…

Qua thực tế đấu giá biển số xe ô tô, khoảng 90% biển số có giá trúng đấu giá trên 200 triệu đồng là thuộc nhóm số ĐB Cảnh từng đề xuất và cũng khoảng 90% biển số có giá trúng đấu giá bằng với mức tối thiểu tương đương giá khởi điểm là nằm ngoài nhóm số ĐB đã đề xuất.

Điều này cho thấy có sự khác nhau rất lớn về giá giữa số ngẫu nhiên và số có sắp xếp khoa học. Những số vừa có quy tắc theo khoa học và vừa phù hợp quan niệm dân gian thì có giá trúng cao hơn nhiều lần số chỉ theo quy tắc khoa học.

ĐB Cảnh đề nghị những số thuê bao dịch vụ viễn thông cũng cần được chia ra các nhóm để đánh giá đúng giá trị, giảm thiểu các trường hợp bỏ cọc. Số điện thoại có 10 số, nếu 6 chữ số cuối được xếp có quy tắc thì có thể xem là số đẹp.

ĐB Cảnh đề xuất: Số có giá khởi điểm 200 triệu đồng là số có 6 chữ số cuối giống nhau như 111111, 6 chữ số cuối tiến đều như 123456.

Số có giá khởi điểm 50 triệu đồng là số có 5 chữ số cuối giống nhau như 122222, có 2 lần 3 số giống nhau như 111222, có 2 số lặp lại 3 lần như 121212, có 2 số đầu giống nhau và 4 số cuối giống nhau như 112222, có 5 số cuối tiến đều và 2 số đầu giống nhau như 112345.

Số có giá khởi điểm 10 triệu đồng là số có 4 số đầu giống nhau và 2 số cuối giống nhau như 111122, có số đầu và số cuối giống nhau và 4 số giữa giống nhau như 211112, có 4 số cuối giống nhau và 2 số đầu tạo thành 3 số tiến đều như 123333, có 5 số cuối tiến đều như 12345, có 3 số lặp lại như 123123, chỉ có 2 chữ số đầu giống nhau giống 2 số cuối và 2 số giữa giống nhau như 112211, chỉ có số lớn như 869768.

Những số còn lại sẽ có mức giá khởi điểm như dự thảo luật.

Việc phân nhóm số sẽ giao lại cho Bộ TT&TT quy định cụ thể. Nếu số được phân theo nhóm thì điểm e, khoản 4, Điều 50 sẽ có điều chỉnh và ghi lại như sau: “Số thuê bao di động sau khi đấu giá không thành ở các nhóm thì sẽ được chuyển xuống nhóm có mức giá khởi điểm thấp hơn để tiếp tục đấu giá, số ở nhóm có mức giá khởi điểm thấp nhất sau khi đấu giá không thành sẽ được phân bổ trực tiếp cho tổ chức, DN”.

Nói thêm việc chọn số để cung cấp dịch vụ ở nước ngoài, ĐB phân tích: “Có những số không theo quy tắc nhưng rất được ưu chuộng ở nước ngoài vì khi chuyển sang cách đọc từ số qua cách đọc dạng chữ cái được ghi trên phím điện thoại thì rất thuận tiện trong quảng cáo và cung cấp dịch vụ. Như phím số 2 gắn với các chữ cái A B C. Tôi ví dụ số: 1-900-8294 không có gì đặc biệt nhưng khi chuyển 4 số cuối qua chữ cái ký tự trên phím điện thoại thì có thể đọc là: 1-900-TAXI, hay số điện thoại 0987468438 nếu chuyển 7 số cuối sang chữ cái có thể ghi là 098 PHO VIET, giúp người tiêu dùng dễ nhớ đến đơn vị cung cấp dịch vụ sản phẩm, dịch vụ.

Tôi cũng mong các đơn vị cung cấp dịch vụ công có thể chọn số theo cách này để người dân dễ nhớ mà liên lạc như dịch vụ cấp nước thì có thể chọn số: 1-900-NUOC chính là số 1-900-6862, hay 1-900-DIEN chính là số 1-900-3436”.

Một số quy định của dự thảo Luật chưa phù hợp

Trong khi đó, tham gia thảo luận, ĐB Đồng Ngọc Ba đã chỉ ra một số quy định của dự thảo Luật chưa phù hợp.

ĐB Đồng Ngọc Ba chỉ ra một số quy định của dự thảo Luật chưa phù hợp. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Đầu tiên, về các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, điểm a khoản 5 Điều 9 quy định chưa phù hợp cả về cách quy định lẫn nội dung.

Cụ thể, điểm a khoản 5 Điều 9 quy định là “cấm sử dụng các thiết bị mà gắn lắp, kết nối với đồng thời nhiều sim” chưa phù hợp, không thuyết phục. Theo ĐB, nên quy định gắn với tính chất của hành vi có thể xâm hại đến an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng và quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chứ không nên gắn với đối tượng, các thiết bị có nhiều sim hay là một sim. Chúng ta quản lý thuê bao người sử dụng cái sim đó, chứ không nên quản lý thiết bị. ĐB cũng đề nghị không giao Chính phủ quy định thêm các loại thiết bị khác mà nên quy định ở trong luật rõ các tiêu chí để Chính phủ có cơ sở quy định cụ thể.

Liên quan đến vấn đề Nhà nước can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các DN nói chung và DN viễn thông nói riêng, điểm e khoản 2 Điều 13 quy định các DN cung cấp dịch vụ viễn thông có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý DN và có trách nhiệm phải đảm bảo kết nối với cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ TT&TT.

“Về mặt nguyên lý, DN không có trách nhiệm phải kết nối toàn bộ các thông tin về quản lý của mình với cơ quan nhà nước, lại phải kết nối liên tục. Nếu có quy định thì chỉ là kết nối để đảm bảo khi có yêu cầu Nhà nước quản lý theo chức năng; ví dụ như khi thanh tra, kiểm tra thì DN sẵn sàng đảm bảo kỹ thuật để kết nối. Điều này cũng đã được quy định ở điểm b khoản 1 Điều 29 của Luật Giao dịch điện tử. Tôi đề nghị không nên quy định trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối liên tục với cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước, có thể xâm phạm đến quyền tự chủ kinh doanh cũng như giữ bí mật về thông tin của DN”, ĐB Ba nói.

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây