Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Thứ năm - 08/06/2023 10:18
Ngày 5.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án luật. Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã đóng góp nhiều ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
ĐB Lê Kim Toàn, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định, có nhiều góp ý đối với  dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo ĐB Toàn, đối với nhà ở của công dân, dự thảo Luật cần quy định về tiêu chí của nhà ởđáp ứng các tiêu chuẩn nhà ở, chỉ khi nhà ở của công dân đáp ứng được tiêu chí về nhà ở thì mới được công nhận quyền sở hữu nhà hoặc công nhận điều kiện để người sở hữu nhà cho thuê hoặc thuê mua; khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện nhà ở không còn đảm bảo các tiêu chuẩn về nhà ở, không còn đáp ứng được nơi ở, thì có quyền chấm dứt quyền sở hữu nhà ở của công dân.
 
ĐB Lê Kim Toàn phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
Cũng theo ĐB Toàn, cần chia ra 2 loại hình nhà ở là nhà ở  riêng lẻ và nhà ở chung để có chính sách phù hợp. Đối với nhà ở riêng lẻ của cá nhân nếu không ảnh hưởng tới công dân khác thì có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để cải tạo theo từng đối tượng, theo từng yêu cầu. Đối với nhà ở chung cư, bên cạnh chính sách hỗ trợ phù hợp, cần có quy định bắt buộc trong trường hợp kiểm tra, phát hiện toà nhà chung cư không còn đảm bảo tiêu chuẩn về nhà ở nữa, không đảm bảo an toàn cho cư dân toàn tòa nhà thì cơ quan nhà nước có quyền không công nhận quyền sở hữu nhà ở nữa và có quyền thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn đi kèm theo các chính sách hỗ trợ. Không thể để trường hợp khi chung cư bị hư hỏng, xuống cấp gây nguy hiểm, chỉ vì một số người cùng sở hữu căn hộ trong tòa nhà chung cư đó chưa đồng thuận di dời, mà không thực hiện được các biện pháp khắc phục, gây nguy cơ mất an toàn cho những công dân khác.

Về đối tượng sở hữu nhà ở theo dự thảo Luật quy định, theo ĐB Toàn, cần xem xét quy định về người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở Việt Nam. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu về giới hạn hay mở rộng đối tượng người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam và kèm theo các điều kiện để phù hợp với yêu cầu thu hút, trình độ quản lý, trình độ hội nhập của chúng ta trong điều kiện hiện nay.
ĐB Toàn đồng tình với mô hình nhà lưu trú cho công nhân, nhưng việc đưa nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp như trong dự thảo Luật, ĐB hơi băn khoăn vì các điều kiện đáp ứng về hạ tầng, an sinh xã hội, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí hàng ngày cho công nhân và con của công nhân của nhà lưu trú trong khu công nghiệp sẽ bố trí như thế nào. Theo ĐB Toàn, nên tổ chức nhà lưu trú cho công nhân bên ngoài khu công nghiệp.
 
ĐB Hồ Đức Phớc phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Hồ Đức Phớc góp ý về nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Trước hết, đối với Điều 80, khoản 3 của dự thảo Luật, ĐB Phớc  đề nghị điều chỉnh lại, bởi nội dung quy định “dành một tỷ lệ nhất định tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư nhà ở xã hội...” là không đúng với Luật ngân sách và các luật khác hiện hành. ĐB Phớc đề nghị trong dự thảo Luật nên xem xét theo hướng là Nhà nước có trách nhiệm đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng để giao đất sạch và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho khu vực nhà ở xã hội.
Theo ĐB Phớc, có nội dung quy định là nhà ở xã hội là do Nhà nước đầu tư. Tuy nhiên, ở đây có hai loại nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư và từ nguồn vốn xã hội hóa do DN ngoài Nhà nước đầu tư.  Đối với nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư thì cần phân về cho tỉnh, và do UBND tỉnh giao cho chủ đầu tư thực hiện, đồng thời UBND tỉnh cũng quy định về giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội. Đối với nhà ở xã hội do DN ngoài nhà nước đầu tư, cần có quy định nhà nước phê duyệt mức giá bán.
Đối với phần hạ tầng nhà ở xã hội, ĐB Phớc đề nghị cũng cần phải quy định chặt chẽ về quản lý của Nhà nước hay DN. Như là, về phí để bảo trì và quản lý nhà ở xã hội phải giao UBND tỉnh ban hành, để tránh tình trạng chủ đầu tư nâng mức phí lên cao gây khó khăn đối tượng người ở có thu nhập thấp...
 
ĐB Nguyễn Lân Hiếu phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
Cũng liên quan đến quy định người nước ngoài sở hữu nhà ở trong dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng điều này  rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội Việt Nam, do đó, đề nghị thận trọng xem xét quy định cho người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam theo hướng có thể  áp dụng đối với các Việt kiều có đủ điều kiện với quy định rõ ràng và sau 5 năm thực hiện cần xem xét lại, đánh giá ưu, nhược điểm của quy định này.
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy tán thành với quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh trong dự thảo Luật, đồng thời đề nghị giải trình làm rõ và chỉnh lý chặt chẽ hơn một số nội dung mà như trong báo cáo kiểm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc  hội cũng đã chỉ ra.
Tán thành quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhưng  ĐB Thủy đề nghị cần làm rõ thên nguồn kinh phí thực hiện khi Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở cho công nhân, để đảm bảo tính minh bạch cũng như xác định rõ trách nhiệm, những rủi ro khi thực hiện các dự án đầu tư.
 
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Thủy cũng đề nghị bổ sung một số nội dung quy định cụ thể hơn tại Điều 41 về trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại góp phần thực hiện chính sách nhà ở xã hội; xem xét lại các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Điều 73 và có mở rộng các đối tượng nhà ở xã hội phù hợp với thực tiễn.
 
ĐB Nguyễn Văn Cảnh phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Nguyễn Văn Cảnh nêu các vấn đề cần quan tâm đối với loại hình nhà di động, thông qua thực tế một số nước và tại Việt Nam hiện nay. Từ đó, góp ý cần xem xét bổ sung thêm quy định một cách cụ thể hơn đối với loại hình nhà di động về địa điểm xây dựng, việc vận chuyển, khối lượng nhà di động…
Đóng góp nhiều ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ĐB Đồng Ngọc Ba cho rằng nôi dụng còn nặng về quản lý nhà nước, về luật công, điều này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Theo ĐB Ba, cần quan tâm hơn đến luật tư của dự thảo Luật này trong khai thác, sử dụng, đặc biệt là giao dịch liên quan đến tài nguyên nước trên thị trường. Bộ Chính trị vừa có kết luận liên quan đến đề án về an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập chứa nước, trong đó có rất nhiều chỉ đạo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có đề án, kế hoạch để rà soát, hoàn thiện  Luật này, qua đó cũng đã xác định những yêu cầu cốt lõi cần tập trung.
 
ĐB Đồng Ngọc Ba phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Ba nhận thấy có một vấn đề rất quan trọng là phải có nghiên cứu để đưa ra các quy định nhằm đảm bảo việc khai thác, sử dụng tài nguyên nói chung và tài nguyên nước nói riêng theo nguyên tắc thị trường.
“Đây là vấn đề rất lớn, đề nghị Ban soạn thảo, các cơ quan sau chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý thì có nghiên cứu, để làm sao sử dụng hiệu quả, vừa đảm bảo an ninh, an toàn nhưng vẫn đảm bảo các giá trị của tài nguyên nước. Các giá trị của tài nguyên nước chỉ phát huy hết nếu tuân thủ các nguyên tắc của thị trường. Chúng ta đã thấy điều này qua việc sử dụng nước sạch...”,   ĐB Ba ý kiến. 
 
ĐB Lý Tiết Hạnh phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
Cũng ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ĐB Lý Tiết Hạnh bên cạnh việc tán thành cũng nêu nhiều vấn đề cần tiếp tục xem xét bổ sung, phù hợp hơn. Trong đó, ĐB nêu nhiều ý kiến gắn với thực trạng ghi nhận ở địa phương để đề nghị có những quy định cụ thể về một số nội dung trong công tác điều hòa, phân bổ nguồn nước; quy định về tích trữ nước, phòng hạn hán và thiếu nước… hướng đến cái giải pháp lâu dài, hiệu quả hơn.
Nguồn: BTV
“Tầm quan trọng và ảnh hưởng của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là sâu rộng và  liên quan đến rất nhiều quy định pháp luật có liên quan. Cho nên, tôi đề xuất Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung phù hợp với thực tiễn và những định hướng kiến nghị...”, ĐB Hạnh ý kiến.
 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây