Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh:
Thứ tư - 07/06/2023 08:54
Giải pháp nào để giải quyết tình trạng tái mù chữ của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi?
(BĐ) - Chiều 6.6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc.
Phát biểu chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu cho biết, trong các chuyến công tác vùng sâu, vùng xa, tôi đã gặp rất nhiều người đồng bào dân tộc bị tái mù chữ. Do đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết Ủy ban Dân tộc đã có khảo sát như thế nào về tỷ lệ tái mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi từ thiếu niên đến người trưởng thành? Bộ trưởng đã có phương án phối hợp với MTTQ và Bộ GD&ĐT như thế nào để giải quyết vấn đề này?
|
ĐB Nguyễn Lân Hiếu chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Ảnh: Quochoi.vn. |
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, theo số liệu thống kê, đến thời điểm hiện nay, số người tái mù chữ, hay nói cách khác là chưa nói thông viết thạo tiếng Việt chiếm khoảng 15% trong tổng số người dân tộc thiểu số.
“Phải nói rằng, với chính sách giáo dục cật lực, rất tốt của Đảng, Nhà nước ta trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, đến bây giờ mới được kết quả như vậy. Tuy nhiên, tỷ lệ 15% tái mù chữ cũng là những điều hết sức trăn trở” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu.
Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, trong 15% số người mù chữ trong tổng số người đồng bào dân tộc thiểu số có cả tái mù, có cả những người chưa bao giờ đi học, do nhiều yếu tố khách quan. Về phương án giải quyết vấn đề này, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để có các giải pháp giáo dục thời gian tới đây.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn |
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết: Để giải quyết được vấn đề này ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh sáu vùng kinh tế trong cả nước đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045, trong đó có nghị quyết về phát triển giáo dục đề ra các giải pháp xóa mù chữ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã triển khai nghị quyết và sẽ có chính sách xóa mù chữ trong thời gian tới.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn