Đại biểu Lý Tiết Hạnh chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung:
Thứ tư - 07/06/2023 08:52
Có cần gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động trong giai đoạn hiện nay?
(BĐ) - Sáng 6.6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực LĐ-TB&XH.
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đặt câu hỏi liên quan đến thực trạng việc làm cho người lao động, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động giai đoạn hiện nay và việc kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước.
|
ĐB Lý Tiết Hạnh đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh. |
ĐB Lý Tiết Hạnh phát biểu: “Sau lưng mỗi người lao động mất việc là cả một gia đình và có nhiều vấn đề xã hội khác. Có ý kiến cho rằng, khó khăn của DN và người lao động hiện đang gặp phải hiện nay còn khó khăn hơn cả giai đoạn dịch Covid-19. Trong giai đoạn dịch Covid -19, chúng ta đã phát huy rất tốt các gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân và người lao động. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có cần gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như đã hỗ trợ trong giai đoạn Covid-19 hay không?
Liên quan đến lĩnh vực đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, ĐB Lý Tiết Hạnh cho rằng, thước đo của dạy nghề là người học nghề có việc làm và có thu nhập. Để làm được điều đó thì một yếu tố rất quan trọng là kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước. Đề nghị Bộ trưởng nói rõ hơn về định hướng chiến lược trong giai đoạn tới?.
|
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn |
Trả lời câu hỏi chất vấn của ĐB Lý Tiết Hạnh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tán thành với ĐB về một bộ phận người dân và người lao động hiện đang gặp không ít khó khăn về thu nhập, việc làm và đời sống, đặc biệt là tại những đô thị lớn. Về câu hỏi của ĐB có cần gói hỗ trợ gì không, Bộ trưởng cho biết về phía cơ quan tham mưu, Bộ đã và đang đánh giá đầy đủ các tác động, thực trạng, tình hình từ nay đến Tết Âm lịch, sau Tết Âm lịch và năm 2024 để có chính sách dài hạn và ngắn hạn. Bộ trưởng cũng chia sẻ cá nhân mình không có thẩm quyền nói ngay, quyết ngay chính sách lúc này mà trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Trả lời về vấn đề tạo việc làm cho người lao động, kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng đây là vấn đề quan trọng. Bộ trưởng đánh giá, thời gian qua, ở những địa phương, những ngành nghề nào mà dự báo tốt, cung cầu kết nối tốt với DN, kể cả các trường nghề thì tạo công ăn việc làm tốt cho người lao động, bố trí được việc làm, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực đó, địa bàn đó giảm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH tham mưu có kế hoạch triển khai Chỉ thị 21 của Ban Bí thư và xem xét kỹ lưỡng các nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực.
Tham gia làm rõ một số vấn đề về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, năm 2021, Quỹ BHTN đã chi 47.356 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Đến năm 2023, dư quỹ còn 59.357 tỷ đồng. Hiện, Bộ Tài chính đang thiết kế gói chính sách hỗ trợ người lao động để trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, dự kiến chi khoảng 23.000 tỷ đồng từ Quỹ BHTN để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn.
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, ĐB đăng ký chất vấn và đặt câu hỏi ngắn gọn, trách nhiệm, thẳng thắn và đi thẳng vào vấn đề mà người dân, cử tri đang rất quan tâm. Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đi thẳng vào vấn đề, đúng trọng tâm, trọng điểm mà các ĐBQH quan tâm, đảm bảo yêu cầu đề ra.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, đến nay đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, thể chế pháp luật về lao động và việc làm, có nhiều giải pháp để phát triển thị trường lao động. Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành, nhất là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày theo hướng xanh, đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Nắm sát, thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình diễn biến của nền kinh tế và biến động của thị trường lao động để chủ động ứng phó, có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn