Cần rà soát, bổ sung quy định đối với lưu trữ tư

Thứ ba - 28/11/2023 10:33

Chiều 27.11, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Bình Định Lý Tiết Hạnh đã tham gia góp ý về hoạt động lưu trữ tư.

Theo đại biểu (ĐB) Hạnh, tài liệu quý, cần lưu trữ trong dân có rất nhiều, việc bổ sung nội dung về lưu trữ tư vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là rất cần thiết.

 

ĐB Lý Tiết Hạnh tham gia thảo luận chiều 27.11. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, ĐB Hạnh nhận thấy tài liệu lưu trữ do Nhà nước thực hiện có tính chất bắt buộc, theo quy trình, có kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Còn theo giải thích từ ngữ, “tài liệu lưu trữ tư” là tài liệu lưu trữ thuộc sở hữu hợp pháp của cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ; tổ chức kinh tế không phải là DN nhà nước, mang tính tự giác, tự nguyện, tự bảo đảm kinh phí hoạt động; được huy động và sử dụng các nguồn lực hợp pháp để hoạt động…

Như vậy, có sự khác nhau khá rõ nét giữa hai hoạt động lưu trữ. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật, hai loại hình lưu trữ lại có chung một hệ quy chuẩn, quy định. Về tổng thể, quy định về lưu trữ tư cũng có đầy đủ các yếu tố quản lý, bảo quản, khai thác, sử dụng, các điều khoản cấm, giải mật… như các loại tài liệu do Nhà nước thực hiện.

“Theo tôi quy định như vậy sẽ có những bất cập. Ví dụ, tại Điều 6 quy định nghiêm cấm mua bán, chuyển giao, hủy trái phép tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; hủy trái phép tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt, mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài trái phép…; quy định chặt chẽ đối với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt… Tuy nhiên, những quy định này áp dụng cho các tài liệu đã được công nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền là tài liệu lưu trữ, hoặc tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt. Với tư nhân, khi cá nhân, gia đình, dòng họ có sở hữu các tài liệu này, nhưng họ không có nhu cầu, không thực hiện các thủ tục công nhận… thì được thực hiện quyền sở hữu, quyền định đoạt đối với các tư liệu, tài liệu này. Trong dự thảo Luật cũng không nêu rõ đối với trường hợp này thì có vi phạm luật hay không. Khi Nhà nước chưa thống nhất quản lý, khi các tổ chức, cá nhân vi phạm các điều cấm như quy định tại điều 6, cơ sở nào để xử lý?”, ĐB Hạnh phân tích. 

Để đảm bảo nguyên tắc của hoạt động lưu trữ, ĐB Hạnh có một số kiến nghị.

Thứ nhất, đối với chương hoạt động lưu trữ tư, cần rà soát kỹ các quy định để tương thích với các quy định pháp luật liên quan, trong đó có Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Di sản, Luật Thư viện… tổng kết lại hoạt động lưu trữ tư để bổ sung một số quy định đối với lưu trữ tư. ĐB cũng đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu có thể mở rộng cho tư nhân lưu trữ tài liệu của Nhà nước; xem xét quy định việc kêu gọi cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia hoạt động lưu trữ, hiến tặng, trao đổi, hợp tác quốc tế trong hoạt động lưu trữ…

Thứ hai là nghiên cứu, bổ sung một số quy định cụ thể về quy định, quy trình tiếp thu, hỗ trợ, phân loại tài liệu hiện có. Trong đó, đối với tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt phải có quy định, cơ chế để bảo vệ, khai thác, sử dụng phù hợp; vì đây là tài liệu được bảo quản vĩnh viễn, cần lập tài liệu lưu trữ dự phòng và ưu tiên tổ chức sử dụng, phát huy giá trị.

Thứ ba, để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư, cần quy định rõ hơn về các chính sách hỗ trợ, kể cả nguồn lực, khoa học kỹ thuật, các chính sách về giới thiệu, quảng bá, tôn vinh đối với tài liệu.

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây