Cần kéo dài các chính sách an sinh trong giai đoạn đầu mới thoát nghèo
Thứ tư - 17/01/2024 07:50
Đây là một trong những nội dung đề xuất quan trọng của Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn tại phiên thảo luận tổ sáng 16.1, trong khuôn khổ chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 16.1, các đại biểu (ĐB) thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn đã tham gia thảo luận về 2 tờ trình này.
|
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn tham gia ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng 16.1. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia
Thảo luận về Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cơ bản thống nhất.
Đồng chí khẳng định: 3 chương trình MTQG nhằm thực hiện 3 mục tiêu lớn là xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), qua đó thể hiện tính ưu việt của chế độ, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền và đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Vì vậy, cần phải có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, nhất là khi chúng ta chỉ còn 2 năm để thực hiện các nội dung của giai đoạn 2021 - 2025.
Qua nghiên cứu thực tiễn, ĐB Lê Kim Toàn có 4 ý kiến liên quan đến tờ trình này.
Thứ nhất, ĐB nhận thấy nhiều nội dung xác định thực hiện cơ chế đặc thù được quy định thực hiện trong năm 2024. Ví như cơ chế về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước chưa giải ngân trong các năm trước…
Vấn đề đặt ra là 3 chương trình MTQG thực hiện trong cả giai đoạn và kết thúc vào năm 2025; trong khi các cơ chế về dự toán ngân sách và điều chỉnh dự toán ngân sách chỉ quy định cụ thể thực hiện trong năm 2024, kể cả phần dự toán ngân sách chưa giải ngân của các năm trước.
“Nếu giả sử trong năm 2024 và năm 2025, một số hạng mục, một số khoản chi chưa thanh, quyết toán xong thì có cho phép chuyển nguồn và điều chỉnh dự toán không?”, ĐB Lê Kim Toàn bày tỏ băn khoăn.
Theo ĐB, nên có quy định mở, cơ chế linh hoạt trong dự toán ngân sách và thanh toán ngân sách nhà nước trong cả giai đoạn thực hiện 3 chương trình MTQG vừa đảm bảo chặt chẽ, nhưng vẫn đủ độ mở để có cơ chế điều chỉnh khi cần thiết.
Thứ hai là cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Tờ trình đưa ra nhiều phương án với nhiều nội dung. ĐB đề nghị cần thiết kế cơ chế Nhà nước hỗ trợ thực hiện các dự án để phát triển sản xuất cho người dân, cho cộng đồng, cho hộ gia đình; có cơ chế giám sát quá trình thực hiện sử dụng nguồn vốn nhà nước đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, tránh lợi ích nhóm. Và khi cộng đồng dân cư, hộ gia đình thực hiện các dự án hỗ trợ này để phát triển sản xuất có hình thành tài sản từ nguồn vốn hỗ trợ Nhà nước thì được quyền sở hữu các tài sản đó.
Thứ ba, về việc thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG, ĐB Toàn đồng tình về việc phân cấp nhưng rất băn khoăn việc thí điểm.
Thời gian để thực hiện các chương trình MTQG chỉ còn 2 năm. Tờ trình của Chính phủ và dự thảo nghị quyết giao cho mỗi tỉnh chọn một huyện để thí điểm trong năm 2024, rồi đánh giá, tổng kết. Việc có triển khai nhân rộng trong năm 2025 hay không là dựa vào kết quả tổng kết của năm 2024. Như vậy, tính hiệu quả và tác động của việc thí điểm này không cao.
ĐB Toàn đề nghị đề nghị nên quy định mở, vẫn thực hiện theo như cơ chế cũ hoặc giao quyền chứ không thí điểm ở cấp huyện; giao quyền lựa chọn phương án cho HĐND, UBND cấp tỉnh xem xét quyết định. Tùy theo bối cảnh, mức độ đầu tư và trình độ quản lý của các đơn vị cấp huyện, có tỉnh sẽ áp dụng đại trà, có tỉnh sẽ chỉ phân cấp cho một số đơn vị cấp huyện nhất định.
Thứ tư, ĐB Toàn đề nghị một cơ chế đặc thù chưa có trong dự thảo tờ trình.
Theo quy định hiện hành, thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn, từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và đáp ứng tiêu chí khác thì được xác định là hộ nghèo. Hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1,5 triệu đồng đến 2,25 triệu đồng; ở khu vực thành thị trên 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Ranh giới này rất mong manh. Người dân chưa yên tâm cho việc thoát nghèo vì nếu không tiếp tục có sự hỗ trợ thì khả năng tái nghèo vẫn hiển hiện.
ĐB Lê Kim Toàn đề nghị Chính phủ, Quốc hội có thêm một chính sách nữa. Đó là tiếp tục kéo dài các chính sách hỗ trợ về an sinh đối với những hộ nghèo trong giai đoạn đầu mới thoát nghèo. Thời gian kéo dài có thể là 3 - 5 năm để tiếp tục hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội đối với các hộ mới thoát nghèo, như hỗ trợ về BHYT, hỗ trợ về học phí đối với con em của họ và các chính sách an sinh xã hội khác.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phân tích: “Hộ mới thoát nghèo như một người bị ốm mới khỏi bệnh, chúng ta cần tiếp tục có chế độ dinh dưỡng cho giai đoạn phục hồi sau khi khỏi bệnh để họ yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập và tránh tái nghèo. Đây là điều rất quan trọng để xóa bỏ tư tưởng muốn ở lại trong diện huyện nghèo, xã nghèo, hộ nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước”.
Bổ sung kinh phí để kéo lưới điện về làng, xã thiếu điện quốc gia
Thảo luận về Tờ trình bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, ĐB Lê Kim Toàn thống nhất với các nội dung tại Tờ trình. Về mặt thủ tục, ĐB đề nghị phải đảm bảo theo đề nghị của cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Đối với việc bổ sung cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam kéo điện ra Côn Đảo, ĐB rất thống nhất. ĐB đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung thêm Tập đoàn Điện lực Việt Nam một phần kinh phí để thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội khóa trước là kéo lưới điện quốc gia đối với các xã, làng đang thiếu điện quốc gia.
Quốc hội khóa XIII, XIV đã có Nghị quyết tới năm 2021 là tất cả các làng ở vùng cao, vùng đồng bào DTTS được kéo lưới điện quốc gia và sử dụng lưới điện quốc gia; giao cho Tập đoàn điện lực Việt Nam cân đối trong nguồn vốn tự có để phát triển nguồn lưới điện.
Tuy nhiên, do khó khăn trong bố trí nguồn vốn, hết giai đoạn, chúng ta không thực hiện được chủ trương rất nhân văn này. Không có lưới điện quốc gia thì KT-XH rất khó phát triển và đời sống của người dân rất khó khăn.
Vì vậy, bên cạnh việc bổ sung nguồn vốn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kéo điện ra các xã đảo, huyện đảo, cần bố trí thêm nguồn vốn từ nguồn dự phòng hoặc vượt thu ngân sách để ngành điện thực hiện xong việc kéo lưới điện quốc gia tới các làng, bản, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS để góp phần phát triển KT-XH ở vùng này.
Nếu việc bố trí nguồn vốn theo cơ chế quản lý, sử dụng ngân sách khó khăn, ĐB đề nghị thực hiện cơ chế tăng vốn sở hữu của Nhà nước tại DN để giao cho DN Nhà nước thực hiện nội dung theo chủ trương đã đề ra.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn