Cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ đấu giá viên

Thứ ba - 28/11/2023 15:50

Sáng 28.11, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH Bình Định) bày tỏ quan tâm về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, nghĩa vụ của đấu giá viên.

 

ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy đề xuất các quy định đảm bảo chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của đấu giá viên. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

ĐB Thủy khẳng định đấu giá viên là một nghề nghiệp, người hành nghề đấu giá mang tính chuyên nghiệp. Tại một số nước như Pháp, Hoa Kỳ, Trung Quốc, đấu giá viên là một nghề có uy tín, thu nhập tương đối cao trong xã hội. Không chỉ có kiến thức pháp luật, kiến thức về tài sản, họ còn có kiến thức sâu rộng về thị trường, về giá trị tài sản và giá trị nghệ thuật.

Cho nên, hầu hết pháp luật về bán đấu giá tài sản quy định các điều kiện để trở thành đấu giá viên hết sức chặt chẽ. Họ phải qua đào tạo, tập sự hành nghề và trải qua kỳ thi tuyển chọn, đủ điều kiện mới được cấp chứng chỉ, giấy phép hành nghề. Một số nước còn quy định rõ về trách nhiệm của đấu giá viên khi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và vi phạm pháp luật. Ví dụ, đấu giá viên có hành vi vi phạm thì tùy theo mức độ có thể do Hội đồng đấu giá viên quốc gia thi hành kỷ luật hoặc bị quy trách nhiệm theo Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, trong các bộ luật của các nước cũng có điều khoản về tội thông đồng, dìm giá của những người tham gia đấu giá, nhờ đó hiện tượng này xảy ra không nhiều trong thực tế.

Vì vậy, tham gia thảo luận về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, nghĩa vụ của đấu giá viên, ĐB Thủy thống nhất với dự thảo theo hướng bỏ điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo 3 năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, bỏ quy định các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá như quy định hiện hành (như người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên; người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên). Qua đó, tháo gỡ rào cản trong việc tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn, góp phần phát triển nguồn đấu giá viên trong thời gian đến.

Để đảm bảo chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ đấu giá viên trong thực hiện nhiệm vụ, đề nghị ban soạn thảo cần quy định đấu giá viên trước khi tham gia lĩnh vực này bắt buộc phải tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ; quy định hằng năm phải tham gia bồi dưỡng chuyên môn, cập nhật kiến thức mới. Đồng thời, quy định khung thời gian cần tham gia cập nhật kiến thức; cơ quan quyết định hoặc phê duyệt chương trình nội dung bồi dưỡng bắt buộc.

“Bên cạnh đó, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu cơ chế trích thưởng, chế độ phụ cấp cho các đấu giá viên trong từng cuộc đấu giá thành, để đấu giá viên sống được bằng chính nghề của họ. Cơ chế quy định cũng là cơ sở để các đấu giá viên chủ động tham gia đào tạo và đào tạo lại, phòng tránh sự thông đồng giữa đấu giá viên và người tham gia đấu giá”, ĐB Thủy nói thêm.

Về chế tài trong vi phạm hoạt động đấu giá tài sản, ĐB Thủy đề nghị ban soạn thảo bổ sung các quy định rõ ràng và chi tiết hơn về các trường hợp và các thiệt hại, chi phí phải bồi thường khi nhà đầu tư bỏ cọc. Qua đó, có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong việc xử lý các nhà đầu tư vi phạm, tăng tính răn đe, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá để trục lợi.

ĐB Thủy cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định thành 1 chương riêng về “Đấu giá trực tuyến” (có nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế). Đây sẽ là hình thức đấu giá phổ biến trong giai đoạn tới, nhằm tạo sự minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong hoạt động đấu giá tài sản, nhất là đối với việc đấu giá tài sản công.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Phát biểu giải trình một số vấn đề ĐBQH thảo luận, góp ý, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng các đề xuất xung quanh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Trao đổi về ý kiến của các ĐBQH, trong đó có ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy, Bộ trưởng cho biết đang cố gắng nâng cao tính chuyên nghiệp của tổ chức hành nghề và các đấu giá viên. Về tổng thể, khi rà soát, xem xét các đạo luật liên quan đến hoạt động của các nghề tư pháp, luật sư, công chứng, giám định…, ban soạn thảo sẽ cố gắng sắp xếp thành một khối thống nhất. Trước mắt, ban soạn thảo đang nghiên cứu bỏ quy định công chứng viên, thừa phát lại và luật sư hành nghề 2 năm trở lên được miễn đào tạo nghề đấu giá; hướng đến mục tiêu đây là một nghề đặc thù, chuyên nghiệp, cần phải được đào tạo.

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây