Phát huy tối đa hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Thứ sáu - 02/06/2023 15:39

Chiều 2.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

   
Phát huy tối đa hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư -0
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Xây dựng công dân số, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm nêu rõ, cần thiết phải sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Việc xây dựng dự án Luật nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Phát huy tối đa hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư -0
Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: Lâm Hiển

Về bố cục, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật gồm 7 chương, 46 Điều (trong đó, so với Luật Căn cước công dân năm 2014 đã sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 7 điều).

Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định theo hướng Luật này quy định về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Dự thảo Luật đã bổ sung một Điều về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người này.

Liên quan đến các nội dung liên quan đến nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; quyền và nghĩa vụ của người dân về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước cơ bản được giữ như quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 và chỉnh lý, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền của người  dân liên quan đến căn cước điện tử… cho đầy đủ, chặt chẽ.

Làm rõ hơn về “căn cước điện tử”

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, để việc xây dựng, ban hành Luật được chặt chẽ, phát huy có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, sớm hoàn thiện ứng dụng tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy tối đa hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

Phát huy tối đa hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư -0
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Lâm Hiển

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc chỉnh lý tên gọi “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước” nhằm bảo đảm tính bao quát, đầy đủ, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, phù hợp với yêu cầu quản lý và khai thác, sử dụng trong các giao dịch của người dân; do vậy, nhất trí tên gọi của dự thảo Luật là Luật Căn cước.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng cơ bản nhất trí phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, vì dự án Luật được xây dựng trên cơ sở Luật Căn cước công dân hiện hành, có bổ sung, sửa đổi một số quy định nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhưng vẫn phù hợp và kế thừa các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thẻ căn cước công dân.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị lưu ý làm rõ thêm về “căn cước điện tử” trong dự thảo Luật, vì căn cước điện tử được giải thích là “tài khoản định danh điện tử”; làm rõ hơn cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn đối với đối tượng là người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam cho phù hợp với tên gọi.

Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10) và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16), Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí nội dung của Điều 10 và Điều 16 và cho rằng, việc mở rộng, bổ sung thông tin lưu trữ là cần thiết, đồng thời việc tăng cường chia sẻ, kết nối giữa các cơ sở dữ liệu sẽ phát huy tối đa hiệu quả sử dụng dữ liệu, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và tiệm cận với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu kỹ từng loại thông tin quy định tại các điều này để bảo đảm hiệu quả, có tính khả thi.

Một số ý kiến cũng đề nghị quy định cụ thể trường thông tin nào bắt buộc, trường thông tin nào cập nhật theo nhu cầu của người dân, trường thông tin nào chỉ áp dụng cho một số đối tượng nhất định…

Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây