Lược ghi phát biểu của CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội
Phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội đã diễn ra sôi nổi, đại biểu đăng ký chất vấn và đặt câu hỏi rất ngắn gọn, trách nhiệm, thẳng thắn và đi thẳng vào vấn đề người dân, cử tri và doanh nghiệp đang rất quan tâm. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong nhiệm kỳ thứ hai đã có rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và cũng rất thành thạo trong việc "đăng đàn" trả lời chất vấn. Bộ trưởng đã nắm rất chắc các quy định của Đảng và Nhà nước cũng như tình hình thực trạng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ và đã trả lời đúng trọng tâm, giải trình đầy đủ, thỏa đáng các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời đề xuất được nhiều giải pháp và cam kết với Quốc hội cả về việc hoàn thiện các thể chế, chính sách, pháp luật cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện những nội dung mà thuộc lĩnh vực trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ.
Qua Báo cáo của Chính phủ và diễn biến tại phiên họp cho thấy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có rất nhiều nỗ lực và cố gắng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị tại các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề có liên quan và đạt được rất nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh những thành quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận còn không ít những tồn tại, hạn chế và yếu kém như trong báo cáo của Bộ trưởng cũng như đại biểu Quốc hội đã nêu ra.
Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, đồng thời chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính sau đây:
Thứ nhất, tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nhất là các quy định, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chiến lược quy hoạch, Đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng, đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động, chú trọng đào tạo nghề cho khu vực nông nghiệp và nông thôn.
Có chính sách ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế được tham gia học nghề; hoàn thiện quy định về đào tạo nghề và dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bộ trưởng khẳng định có thể vừa tổ chức dạy văn hóa vừa đào tạo nghề trong cùng một quá trình và tại một cơ sở giáo dục, đào tạo. Thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp, các giải pháp phân luồng trong giáo dục phổ thông, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông và có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Không nên để việc vào các trường nghề là lựa chọn cuối cùng như các đại biểu Quốc hội đã nêu.
Thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hoàn thiện cơ chế và thực hiện tự chủ theo lộ trình, áp dụng quản trị tiên tiến đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động. Chú trọng các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo, nâng cao năng lực nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, chuẩn hóa các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận chuẩn các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới. Đây là cam kết của Bộ trưởng và cũng là mong mỏi của các cử tri và nhân dân đã gửi gắm vào đại biểu Quốc hội. Đổi mới việc đánh giá kiến thức, kỹ năng của người học, người lao động, trong đó có cả những bộ công cụ đánh giá đối tượng lao động có kỹ năng trên thực tế nhưng lại chưa có các chứng chỉ về đào tạo. Phát triển hệ thống đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra. Định kỳ đánh giá, xếp loại chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao hiệu quả chất lượng sử dụng nguồn vốn đầu tư. Chuyển nhanh cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng giao nhiệm vụ. Đẩy mạnh xã hội hóa hợp tác công - tư trong phát triển giáo dục nghề nghiệp. Ưu tiên quỹ đất sạch dành cho giáo dục nghề nghiệp. Triển khai hiệu quả các nội dung về đào tạo nghề, đào tạo lại, hỗ trợ giải quyết việc làm trong các chương trình mục tiêu quốc gia và gói hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được ban hành.
Nâng cao hiệu quả liên kết, kết hợp giữa nhà trường, nhà nước và doanh nghiệp. Cụ thể hóa các chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề tại các nơi làm việc, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và tham gia các hoạt động khu vực quốc tế về giáo dục nghề nghiệp. Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, mở rộng mô hình đào tạo chất lượng cao thông qua hệ thống đào tạo của các nước tiên tiến.
Thứ hai, trong năm 2023: rà soát, thống kê đầy đủ, nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên nguyên tắc đóng hưởng, bảo đảm quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm cũng như giải quyết dứt điểm các trường hợp thu chi bảo hiểm xã hội không đúng quy định. Chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, giải quyết các trường hợp phát sinh khác mà pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm, đề xuất hướng xử lý đối với từng cá nhân, cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng này.
Thứ ba, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành, nhất là các ngành thâm dụng lao động như: dệt may, da giày theo hướng xanh, đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Nắm sát, thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình diễn biến của nền kinh tế và biến động của thị trường lao động để chủ động ứng phó, có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích chính sách, ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước trong tổ chức thực hiện chính sách và chế độ về bảo hiểm xã hội.
Thứ tư, hoàn thiện chính sách pháp luật và bảo hiểm xã hội, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu, tháng 10.2023 và xem xét thông qua vào kỳ họp đầu năm 2024. Việc sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm xã hội cần đảm bảo mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân theo Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Khắc phục hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mượn hồ sơ của các người khác tham gia bảo hiểm xã hội, thu mua, gom sổ bảo hiểm xã hội của người lao động và các hành vi trục lợi khác. Bảo đảm công tác quản lý đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội an toàn, sinh lời, cân đối thu, chi trong dài hạn.
Thứ năm, Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến bảo hiểm xã hội. Đồng thời, xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Hoàn toàn chúng ta có cơ sở để xử lý việc này, chứ không phải chờ việc bổ sung thêm hay là hoàn thiện theo quy định nào.
Thứ sáu, rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Việc làm để tạo nhiều cơ hội việc làm thuận lợi cho người dân. Chủ động phòng ngừa thất nghiệp, xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp với quá trình phát triển kinh tế số. Khẩn trương hoàn thành hệ cơ sở dữ liệu về lao động và thị trường lao động, hướng tới quản trị thị trường lao động, việc làm hiện đại, linh hoạt và chủ động. Sớm có giải pháp cụ thể, giảm dần tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, hướng tới việc làm bền vững, việc làm xanh và thu nhập thỏa đáng.
Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn