Cải cách tổng thể tiền lương từ 1.7.2024, lương giáo viên được đề nghị mức cao nhất

Thứ tư - 01/11/2023 16:27
Đại biểu Quốc hội đề nghị trong cải cách chính sách tiền lương lần này, cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp.
Sáng 1.11, tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) quan tâm đến thu nhập của đội ngũ nhà giáo. Theo bà, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tiếp tục phát triển hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.
Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông cho các tỉnh, thành phố trong năm học vừa qua đã từng bước khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại địa phương, nhất là các vùng khó khăn…
 
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên thảo luận sáng 1.11. Ảnh Như Ý.
Tuy nhiên, đại biểu Hà Ánh Phượng bày tỏ băn khoăn làm thế nào để đạt kỳ vọng từ năm 2024- 2030, Việt Nam đạt khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Đại biểu cho rằng, việc này rất khó thực hiện và băn khoăn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm như thế nào để hiện thực hóa được điều này.
Đề cập về vấn đề lương của giáo viên và nhân viên trường học, nữ đại biểu đoàn Phú Thọ nhận thấy, thực tế qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình.
“Nhiều người đã phải nghỉ, chuyển việc hoặc là làm thêm, vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề. Và hiện nay phụ cấp của họ rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp”, đại biểu phản ánh.
Chính vì vậy, bà Hà Ánh Phượng đề nghị trong cải cách chính sách tiền lương lần này, cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng.
Đồng thời, đại biểu Phượng cũng đề nghị phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.
 
Đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ). Ảnh Như Ý
Bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân?
Đề cập đến lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Tri Thức (TPHCM) phản ánh tâm tư của cử tri ngành y tế, và đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19 trong lĩnh vực y tế.
Đại biểu cũng nêu sự cần thiết và tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm tìm các bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý di truyền. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân thể hiện trách nhiệm đối với người vợ, người chồng, bởi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ đã rất đau lòng lựa chọn cứu mẹ hay cứu con, chỉ vì không tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân, không có kế hoạch dự phòng.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình cũng như Nghị định của Chính phủ không có quy định bắt buộc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn và có những chính sách hỗ trợ cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào nghèo.
Trước tình trạng người dân mắc bệnh ung thư gia tăng, nhưng số máy xạ trị mới đáp ứng 60%, đặc biệt Việt Nam chưa có máy xạ trị proton, giúp giảm tối thiểu tổn thương mô lành xung quanh. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư 2 trung tâm điều trị xạ trị bằng proton ở Hà Nội và TPHCM để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (TPHCM). Ảnh Như Ý
Miễn thuế VAT tất cả mặt hàng ?
Trong khi đó, đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) nhận định, tuy có nhiều thách thức do tình hình quốc tế, nhưng tình hình kinh tế nước ta có nhiều dấu hiệu khả quan trong giai đoạn giữa và cuối năm. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, còn nhiều thách thức trong phát triển kinh tế thời gian tới, tổng cầu thấp, tín dụng cho nền kinh tế khó đạt được kế hoạch đề ra, áp lực lên tỷ giá, lạm phát, lãi suất cao, khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm.
Trước những khó khăn đó, đại biểu cho rằng, nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển, chúng ta có dư địa trong bội chi, trong đó chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chỉ giải ngân được rất ít, còn dư nhiều. Chính phủ đề xuất kết thúc chính sách này trong thời gian tới. Đại biểu cho rằng đó là quyết định hợp lý, tuy nhiên cần vận dụng cơ chế này cho 2 năm còn lại, sử dụng dư địa bội chi trong giai đoạn 2021-2025 để dành nguồn lực đầu tư cho các dự án cấp bách như y tế, giáo dục, các dự án giao thông quan trọng, để tăng trần đầu tư công cho giai đoạn mới.
Về điều chỉnh chính sách tài khóa nới rộng, đại biểu cho biết, các doanh nghiệp còn gặp lúng túng trong việc áp thuế, không biết các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình có trong diện được giảm thuế hay không.
Đặc biệt, để kích cầu nền kinh tế, đại biểu cho rằng nên giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng trong nền kinh tế thay vì chỉ giảm cho một số mặt hàng nhất định.
Đồng thời, cần có cơ chế cho vay trung, dài hạn, vì những lĩnh vực ưu tiên này, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, kinh tế số là những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.
 

Tác giả bài viết: Theo Luân Dũng (TPO)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây