Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn đồng chủ trì họp báo.
Dự họp báo còn có đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giao Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao cùng đại diện lãnh đạo và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam.
Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội khóa XV xem xét quyết định 04 vấn đề quan trọng, cấp bách
Giới thiệu tóm tắt chương trình và nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, căn cứ khoản 2 Điều 90 và khoản 1 Điều 92 của Luật Tổ chức Quốc hội, trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, sau khi xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về các mặt và nội dung chuẩn bị do Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khoá XV.
Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 04/01/2022, bế mạc vào ngày 11/01/2022 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 05 ngày để thảo luận, xem xét, quyết định những vấn đề thực sự cấp thiết, cấp bách cho quốc kế dân sinh.
Do tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội). Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn giới thiệu tóm tắt chương trình và nội dung Kỳ họp bất thường
lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV
Theo dự kiến chương trình, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, quyết định đối với 04 nội dung: Một là, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Hai là, Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Ba là, Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bốn là, Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu tối thượng là vì Nhân dân
Trao đổi tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, nhất là ở Hà Nội. Do đó, để bảo đảm an toàn nhất cho kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Dự kiến Quốc hội cũng sẽ yêu cầu Chính phủ có báo cáo về tình hình dịch bệnh COVID-19 với biến thể mới Omicron hiện nay, báo cáo về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và các vấn đề liên quan.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời câu hỏi tại họp báo
Khẳng định sự cấp thiết của các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết gói chính sách tiền tệ, tài khoá là hết sức quan trọng. Tăng trưởng năm 2021 đạt 2,58% là sự cố gắng lớn của cả hệ thống nhưng còn khoảng cách xa so với mục tiêu. Do đó nếu gói chính sách này được thông qua trong đầu năm 2022 thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng hai năm 2022- 2023 và dư âm cho cả nhiệm kỳ. Nếu để đến kỳ họp thường kỳ tháng 5 của Quốc hội mới quyết định thì sẽ lỡ nhịp.
Cùng với đó, dự án 1 luật sửa nhiều luật cũng nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thể chế, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện, giải quyết ngay các vấn để để thục đẩy phát triển kinh tế. Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cũng cần xem xét sớm để thúc đẩy các tuyến giao thông huyết mạch dọc đất nước, thúc đẩy giao thương hàng hoá, du lịch và nhiều lĩnh vực khác. Quốc hội xem xét cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng nhằm thúc đẩy một địa phương vốn là động lực cho đồng bàng sông Cửu Long trở thành đàu tàu tác động tích cực tới các tỉnh trong khu vực cũng như đóng góp cho cả nước.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, những vấn đề này là vô cùng cần thiết cho sự phát triển, nếu muộn một ngày cũng là ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy việc tổ chức kỳ họp bất thường là hết sức cần thiết nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, góp phần phục hồi kinh tế sau thời gian dài tác động của đại dịch và kịp thời thế chế chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bằng những quyết sách cụ thể thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Các đại biểu tham dự họp báo
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên tinh thần chủ động, tích cực và đổi mới hoạt động của Quốc hội, trong tương lai, tùy vào tình hình thực tiễn, yêu cầu của công việc, Quốc hội có thể sẽ tiếp tục tổ chức các kỳ họp bất thường nếu cần thiết, cấp bách, cần phải được quyết định ngay; nhấn mạnh, mục tiêu tối thượng là để phục vụ Nhân dân, phục vụ sự phát triển của đất nước, đảm bảo thể chế hóa chủ trương Nghị quyết của Đảng kịp thời đi vào cuộc sống, không để ách tắc, thể hiện sự chủ động tích cực của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Cũng tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến đã cung cấp một số thông tin liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, vấn đề bội chi, nợ công./.
Theo quochoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn