Một trong những nội dung được đánh giá là cấp bách sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường (diễn ra từ 4-11.1.2022) là Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.
Thông tin thêm tới báo chí về vấn đề này tại họp báo chiều 30.12, bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, gói chính sách này sẽ tăng cường tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên tổng cung. Yêu cầu đặt ra là phối hợp linh hoạt chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa để tối ưu hóa nguồn lực.
|
Bà Phạm Thị Hồng Yến |
“Quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng điểm, trọng tâm để giải quyết vấn đề cấp bách, tránh dàn trải. Phân bổ nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm” - bà Phạm Thị Hồng Yến nhấn mạnh.
Giải pháp chủ yếu đưa ra thì có mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh, hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi cho DN, HTX, hộ kinh doanh; phá triển kết cấu hạ tầng và cải cách thể chế, hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
“Chính sách cơ bản bao quát lĩnh vực đời sống kinh tế, xác định ưu tiên cho y tế gắn với chiến lược tổng thể phòng chống Covid-19. Các giải pháp chú trọng tính hiệu quả, lan tỏa, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới” - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.
Liên quan tới chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin, ngày 31.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chính thức xem xét, cho ý kiến trước khi chính thức trình ra Quốc hội.
|
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường |
Ông Bùi Văn Cường cũng thông tin thêm, vừa qua, Ban Cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội đã họp để thống nhất các nội dung báo cáo trước kỳ họp, đã có sự thống nhất cao. Chính phủ cũng sẽ có báo cáo về biến chủng Omicron và các giải pháp, cũng như liên quan đến việc mua sắm các trang thiết bị y tế phòng chống dịch.
Trước vấn đề phóng viên đặt ra về việc giám sát chặt chẽ để tránh tiêu cực khi thực hiện các gói phục hồi, nhất là sau vụ giá kít xét nghiệm của Công ty Việt Á vừa qua, ông Bùi Văn Cường nói: “Vụ việc Việt Á đang trong quá trình điều tra nên chúng tôi không thể cung cấp thông tin. Còn cơ quan điều tra đã tiến hành thì phải làm cho tận cùng và xét xử theo đúng quy định của pháp luật”.
Trước đó, khi thảo luận về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong phiên làm việc của Thường vụ Quốc hội sáng 21.12 vừa qua, một vấn đề được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh dư luận đang bức xúc trước thông tin về giá kit test Covid-19 mà cơ quan điều tra đang xử lý theo quy trình tố tụng.
“Báo chí, dư luận rất quan tâm chất lượng kit test. Truyền hình đưa lên nơi sản xuất như nhà kho HTX, rồi WHO không công nhận chất lượng để áp dụng chung thì cử tri quan tâm chất lượng kit có đáp ứng chuyên môn hay không? Trách nhiệm cơ quan liên quan, kể cả một số bộ. Chưa nói sai - đúng nhưng rất nhiều địa phương đấu thầu giá rất cao” - ông Hoàng Thanh Tùng dẫn chứng và cho rằng, báo cáo nên đề cập.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề cập: “Bổ sung tình hình chung liên quan thanh toán bảo hiểm cho F0, việc người lao động phải trả tiền xét nghiệm giá cao, giá xét nghiệm và vụ việc xung quanh giá xét nghiệm”.
Theo Ngọc Thành (VOV.VN)