SỬA ĐỔI NỘI QUY KỲ HỌP QUỐC HỘI - CỤ THỂ HÓA CÁC CẢI TIẾN, ĐỔI MỚI ĐÃ ĐƯỢC THỰC TIỄN CHỨNG MINH ĐÚNG ĐẮN, PHÙ HỢP

Thứ tư - 11/05/2022 09:27
Theo dự kiến chương trình, tại phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Để chuẩn bị cho phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp phiên mở rộng để thẩm tra nội dung này.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp. Cùng dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban Thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch Nước, Văn phòng Chính phủ, đại diện các Cục vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự kiến chương trình phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Đây là nội dung liên quan đến nhiều cơ quan trong bộ máy nhà nước. Thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực nghiên cứu Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội, trên cơ sở đó, đánh giá, tổng kết những cải tiến, đổi mới đã thực hiện qua các kỳ họp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nhưng chưa được quy định trong Nội quy kỳ họp; đồng thời nghiên cứu và tiếp tục đề xuất các nội dung đổi mới, cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp Quốc hội qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật ghi nhận cơ quan chủ trì soạn thảo đã nỗ lực trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Tại phiên họp, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, Nội quy kỳ họp năm 2015 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 của Quốc hội ngày 24/11/2015 trong bối cảnh vị trí, vai trò của Quốc hội ngày càng được củng cố, tổ chức và hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới. Nội quy đã cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy trình, thủ tục. Việc thực hiện Nội quy đã góp phần thúc đẩy hoạt động của Quốc hội nói chung ngày càng chuyên nghiệp, bài bản và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các kỳ họp Quốc hội.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Sau hơn 06 năm thi hành, Nội quy năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung. Trong đó, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và nhiều đạo luật khác đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội nên cần sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nội quy để bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Một số điều, khoản tại Nội quy năm 2015 không còn phù hợp với thực tiễn, trong quá trình hoạt động, nhất là từ năm 2016, Quốc hội đã có những cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp. Qua thực tiễn kiểm nghiệm, được đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao nên xem xét để bổ sung quy định trong Nội quy để bảo đảm tính pháp lý.

Việc sửa đổi, bổ sung Nội quy nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bám sát quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định cụ thể những quy trình, thủ tục tại kỳ họp chưa được quy định tại các luật chuyên ngành, còn những quy trình, thủ tục về các vấn đề cụ thể đã được quy định tại các luật chuyên ngành thì chỉ dẫn chiếu tại dự thảo Nghị quyết.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu trình bày nghiên cứu ban đầu về dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi)

Việc sửa đổi Nội quy lần này cũng nhằm bổ sung cụ thể hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, về quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm chứng minh là đúng đắn và phù hợp. Bổ sung cơ sở pháp lý cho việc tổ chức kỳ họp bất thường; nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp nói chung; đáp ứng kịp thời hơn yêu cầu thực tiễn, nhất là trong điều kiện chưa kịp sửa đổi, bổ sung các quy định khác có liên quan.

Theo đó, dự thảo Nội quy có một số điểm mới như quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia ý kiến đối với những vấn đề trình Quốc hội xem xét, quyết định; Sửa đổi quy định về tài liệu kỳ họp, quy định về văn bản điện tử, khắc phục tình trạng các cơ quan chậm gửi tài liệu kỳ họp theo hướng sẽ công khai danh sách các cơ quan gửi chậm hoặc rút khỏi dự kiến chương trình kỳ họp, cụ thể việc phát hành tài liệu chính thức tại kỳ họp. Bổ sung các quy định nhằm tăng cường công khai về kỳ họp Quốc hội. Quy định về lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hình thức phiếu xin ý kiến điện tử; xin ý kiến đại biểu Quốc hội đối với nội dung không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Quy định cụ thể hơn nghi thức tuyên thệ. Quy định về hình thức làm việc trực tuyến

Quy định về tranh luận, thảo luận tại phiên họp toàn thể; bổ sung một số thẩm quyền cho Chủ tọa, người điều hành phiên họp toàn thể; quy định về việc báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội. Bổ sung trình tự xem xét, thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; trình tự quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, quy định về việc ban hành Nghị quyết kỳ họp, việc thảo luận trước khi biểu quyết thông qua các dự thảo nghị quyết, bổ sung quy định về giải trình ý kiến ở tổ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Đặc biệt, dự thảo Nội quy bổ sung 01 điều về quy định tại kỳ họp bất thường, Quốc hội xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền theo đề nghị của các chủ thể được quy định tại Điều 83 của Hiến pháp năm 2013, trừ các nội dung định kỳ theo quy định của pháp luật. Quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp bất thường tiến hành theo quy định hiện hành, trừ những thủ tục kiến nghị tổ chức kỳ họp bất thường, quy trình dự kiến chương trình kỳ họp bất thường của Quốc hội; thời hạn gửi tài liệu chính thức kỳ họp đến các vị đại biểu Quốc hội. Đây cũng là nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Nhóm ý kiến thứ nhất: kỳ họp bất thường để giải quyết những công việc phát sinh, đột xuất, cấp bách, cần xử lý ngay mà không thể đợi đến kỳ họp thường kỳ. Theo đó, đề nghị quy định tại kỳ họp bất thường, Quốc hội chỉ xem xét, quyết định đối với những nội dung thực sự cấp bách, đã rõ, đã chín, các quyết sách sau khi được ban hành phải cụ thể, rõ ràng và thực hiện được ngay, không cần phải chờ văn bản quy định chi tiết. Bên cạnh đó, quy định như vậy để tránh tình trạng lạm dụng đưa vào chương trình kỳ họp bất thường những vấn đề chưa được chuẩn bị, xem xét kỹ, hoặc nội dung chưa kịp chuẩn bị để trình tại kỳ họp thường lệ được chuyển sang trình tại kỳ họp bất thường, gây bị động cho các cơ quan của Quốc hội trong công tác thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý.

Nhóm ý kiến thứ hai: kỳ họp bất thường có nghĩa là không thường kỳ để giải quyết các công việc mà trong kỳ họp thường kỳ không có thời gian để giải quyết hết hoặc không thể bố trí kỳ họp thường kỳ dài quá... Ý kiến này cho rằng, với việc Hiến pháp, các quy định pháp luật không ràng buộc kỳ họp bất thường chỉ xem xét những vấn đề cấp bách, chỉ cần có đề nghị của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải xem xét để triệu tập kỳ họp. Do đó, đối với kỳ họp bất thường, có thể tiến hành nhiều lần khi có đề nghị, yêu cầu. Như vậy, hoạt động của Quốc hội sẽ thường xuyên hơn, kịp thời hơn trong việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn và góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả theo định hướng của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại phiên họp

Do còn nhiều ý kiến khác nhau về kỳ nội hàm kỳ họp bất thường, để bảo đảm thận trọng, có ý kiến đề nghị Quốc hội cho thí điểm áp dụng quy định về tổ chức kỳ họp bất thường. Ngược lại, có ý kiến cho rằng đã có thực tiễn về việc tổ chức kỳ họp bất thường vừa qua, nên đề nghị chỉ cần bổ sung quy định về kỳ họp bất thường như quy định về việc triệu tập, về thời hạn gửi tài liệu… để bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc tổ chức kỳ họp này mà không cần phải thí điểm.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần nghiên cứu tính toán các quy định đặc thù áp dụng tại kỳ họp bất thường, bởi một số quy định áp dụng tại kỳ họp thường kì cho kỳ họp bất thường là không phù hơp như quy định về thời hạn gửi văn bản, hồ sơ tài liệu, do đó cần xem xét, bổ sung.

Các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề như quy trình, thủ tục chuẩn bị, xem xét, cho ý kiến, thẩm tra, trình Quốc hội đối với các vấn đề thảo luận, quyết định tại kỳ họp bất thường, đặc biệt là liên quan đến công tác lập pháp, để bảo đảm tính thống nhất trong việc tổ chức thực hiện, bảo đảm chất lượng kỳ họp Quốc hội nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu khá khẩn trương, gấp gáp của kỳ họp bất thường. Có ý kiến cho rằng, kỳ họp bất thường tiến hành xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên cần xác định rõ nguyên tắc vẫn phải tuân thủ quy trình, thủ tục, điều kiện, tiêu chí của pháp luật hiện hành, chỉ có quy định riêng về thủ tục kiến nghị tổ chức kỳ họp bất thường, triệu tập kỳ họp bất thường của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các cơ quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện Hồ sơ dự thảo và các báo cáo liên quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 11. Trong đó lưu ý bổ sung thêm đánh giá khái quát những yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi Nội quy, dự thảo đáp ứng đến đâu mục tiêu yêu cầu đề ra. Một mặt nội quy hóa, chính thức hóa những cải tiến, đổi mới đã được thực tiễn chứng minh. Mặt khác, rà soát cập nhật các quy định liên quan bảo đảm thống nhất các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền…tổ chức, tiến hành kỳ họp Quốc hội, nhấn mạnh với yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu lực hiệu quả hoạt động của Quốc hội cần tính toán liều lượng quy định mới ở mức độ phù hợp, bảo đảm đưa vào Nội quy các quy định đủ rõ, đủ chín.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung

Đại diện lãnh đạo Vụ Pháp luật hành chính, hình sự, Bộ Tư pháp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần tiếp thu các ý kiến tại phiên họp

 

Nguồn tin: Theo Bảo Yến - Phạm Thắng - quochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây