(BĐ) - Chiều 26.4, Đoàn giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Lệ Thủy làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về thực hiện chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh.
Tiếp và làm việc với Đoàn giám sát có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh; đại diện các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: THU DỊU |
Theo báo cáo của UBND tỉnh với Đoàn giám sát, thực hiện chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản, năm 2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để đẩy mạnh nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và phát triển chế biến thủy sản tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Đến nay, Bình Định có tổng diện tích nuôi tôm nước lợ 2.107 ha, tăng 9,6% so với quy hoạch; thể tích nuôi cá lồng biển khoảng 25.700 m3, tăng 73,5% so với quy hoạch. UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với tổng diện tích 375 ha. Hoạt động sản xuất giống thủy sản được duy trì và phát triển tốt tại các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh.
Đối với chế biến thủy sản, các nhà máy, cơ sở chế biến thủy sản xây dựng mới đều được cấp phép xây dựng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dành cho chế biến thủy sản. Các nhà máy nằm trong khu dân cư đang từng bước được di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Về thực hiện chính sách pháp luật về kiểm soát khai thác IUU, Bình Định đã thành lập Ban chỉ đạo IUU của tỉnh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong lĩnh vực phát triển thủy sản của tỉnh. Toàn tỉnh có 5.967 tàu cá, đến nay có 98,20% số tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cấp phép khai thác thủy sản vùng khơi đạt 98%; các cảng cá trong tỉnh có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá Bình Định vi phạm khai thác IUU đang tiếp tục diễn ra, các tàu cá thường xuyên mất liên lạc, mất kết nối và bị cảnh báo.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã giải trình làm rõ các vấn đề mà Đoàn giám sát nêu ra, đồng thời đề xuất với Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành xem xét nghiên cứu đưa ra những cảnh báo, kịch bản dự lường về biến đổi khí hậu tác động tới nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Nghiên cứu xem xét phục hồi hệ sinh thái biển, phục vụ khai thác bền vững; có chính sách hỗ trợ khuyến khích trong nuôi thủy sản trên biển; xem xét triển khai sớm các dự án đầu tư nâng cấp cảng biển, dịch vụ hậu cần nghề cá…
Kết luận tại buổi giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao công tác thực hiện và chia sẻ khó khăn với tỉnh Bình Định trong thực hiện các chính sách pháp luật trên lĩnh vực thủy sản. Đoàn giám sát ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh để báo cáo với các cơ quan chức năng của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành xem xét và sớm xử lý.
Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát đã đi thực tế tại Cảng cá Quy Nhơn, Công ty TNHH Thủy sản An Hải (Khu kinh tế Nhơn Hội, Quy Nhơn) và Công ty CP Việt Úc - Bình Định (huyện Phù Mỹ).
Theo THU DỊU - baobinhdinh.vn