Ngày mai (20.10), kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc. Ðây là kỳ họp nhận được nhiều sự quan tâm với những nội dung hệ trọng.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cho biết: Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 21 ngày, bế mạc vào ngày 15.11.
|
Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện các tổ chức thành viên. Ảnh: H.PHÚC |
Đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, nhất là về công tác lập pháp, với 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết được xem xét, thông qua. Trong đó, đáng chú ý có dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk…
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng cho ý kiến đối với 7 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật HTX (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
Đồng thời, xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”…
Đáng chú ý, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.
Nội dung này có ý nghĩa lớn trước tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường; nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo. Đặc biệt, các diễn biến liên quan đến cuộc xung đột quân sự tại Nga - Ucraine; tình hình dịch Covid-19 phức tạp tại một số quốc gia, trong đó có các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam.
Trong khi đó, nhiệm vụ phát triển KT-XH của Việt Nam cũng nặng nề hơn, khối lượng công việc xử lý ngày càng nhiều do nền kinh tế đang phát triển. Bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên tăng lên, còn phải giải quyết những khó khăn nội tại của nền kinh tế, các vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm cũng như thực hiện biện pháp bảo đảm sức khỏe nhân dân, phục hồi và phát triển KT-XH, vừa phải ứng phó với những tình huống mới, bất ngờ, phát sinh chưa có tiền lệ. Trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn, thiệt hại.
● Có thể nói, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận hiện nay là dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Liên quan vấn đề này, trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, cử tri trong tỉnh có những ý kiến nào đáng chú ý, thưa đồng chí?
- Điều đáng ghi nhận là cử tri trong tỉnh đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến công tác lập pháp của Quốc hội với những yêu cầu cao hơn về quy mô, tầm vóc của các dự án luật. Cử tri cho rằng, các dự án luật được xây dựng phải tiệm cận với xu thế phát triển, giải quyết những bất cập, mâu thuẫn, vướng mắc trong thực tiễn.
Với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cử tri cho rằng, các nội dung sửa đổi phải góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Đồng thời, thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.
Cử tri cho rằng, hiện nay, tình trạng đầu cơ bất động sản, nhất là đất nền diễn ra phổ biến không chỉ đẩy giá bất động sản lên cao quá giá trị thực, mà còn gây bất ổn cho thị trường cũng như công tác quản lý đất đai tại các địa phương. Cử tri kiến nghị các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời tình trạng “làm giá”, hạn chế đầu cơ đất đai, căn hộ, nhà ở xã hội. Từ đó, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp có nhu cầu về chỗ ở được tiếp cận nhà ở, nhằm an cư, ổn định cuộc sống.
Với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), cử tri đặt ra yêu cầu chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân, nâng cao chất lượng nền y học dân tộc. Cử tri kiến nghị cần có giải pháp khắc phục hiệu quả, giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư trang thiết bị y tế; nâng cao số lượng lẫn chất lượng nhân lực y tế. Cùng với đó là điều chỉnh giá dịch vụ y tế và đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công để có sự điều chỉnh phù hợp.
Bên cạnh lĩnh vực đất đai và y tế, cử tri còn phản ánh việc thực hiện những quy định mới trong giáo dục còn nhiều bất cập, vướng mắc như: Cùng một khối lớp học ở cùng một địa phương nhưng sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau, giá SGK cao… gây nhiều khó khăn cho phụ huynh, học sinh cũng như giáo viên. Cử tri tiếp tục kiến nghị thống nhất lựa chọn sử dụng SGK cho từng lớp học trong phạm vi cả tỉnh ổn định trong một giai đoạn ít nhất 5 năm, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc dạy và học, tránh gây lãng phí.
● Xin đồng chí cho biết, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu có những hoạt động đáng chú ý nào?
- Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, từ ngày 3 - 14.10, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh và 18 hội nghị tiếp xúc với cử tri tại các xã, phường, thị trấn.
Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã làm việc với Công ty Điện lực Bình Định và các đơn vị liên quan, nghe báo cáo về tình hình đầu tư, phát triển của ngành điện và kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành điện.
Đặc biệt, trước thềm ngày khai mạc kỳ họp, trong ngày 17 và 18.10, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi), với sự tham dự của một số ĐBQH đơn vị tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan và các chuyên gia.
Các ý kiến chất lượng thu nhận được từ các hội nghị có ý nghĩa quan trọng, giúp các ĐBQH chuẩn bị chu đáo nội dung tham gia thảo luận tại kỳ họp thứ 4.
● Xin cảm ơn đồng chí!