Khó xác định nội hàm cụ thể của "trường hợp cấp bách"
Trong toàn bộ dự thảo Luật có đến 6 lần sử dụng cụm từ “trường hợp cấp bách” nhưng không được giải thích. Cụ thể là quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 11 (Quyền hạn của Cảnh sát cơ động); khoản 1, khoản 2 Điều 18 (Huy động người, phương tiện, thiết bị), khoản 2, khoản 3 Điều 19 (Điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ).
Hệ thống văn bản pháp luật hiện hành cũng chưa thấy giải thích hay quy định cụ thể về “trường hợp cấp bách”. Bộ luật Hình sự có giải thích về “tình thế cấp thiết” tại Điều 23 như sau: “(1). Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm. (2). Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Việc giải thích hay quy định cụ thể nội hàm của cụm từ “trường hợp cấp bách” là rất khó, vì thực tế xảy ra rất nhiều tình huống, hoàn cảnh khác nhau, đồng thời còn phải căn cứ vào tính chất, yêu cầu, từng nhiệm vụ… cụ thể để xác định đúng thế nào là trường hợp cấp bách và áp dụng các biện pháp do pháp luật quy định, ví dụ: khi có nhiều lực lượng, phương tiện tham gia truy bắt tội phạm thì có lẽ không nên đặt ra yêu cầu phải huy động thêm lực lượng, phương tiện nữa. Tuy nhiên, nếu chỉ có cá nhân cán bộ, cảnh sát cơ động hoặc công an, lại thiếu phương tiện cần thiết thì yêu cầu huy động người, phương tiện cùng tham gia đuổi bắt cũng có thể được đặt ra!
Bảo đảm rõ ràng, dễ thực hiện và không lạm dụng
Trong 6 lần sử dụng cụm từ “trường hợp cấp bách” thì chỉ có 2 lần có gắn với một số trường hợp cụ thể là: Cảnh sát cơ động “Được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thuyền trong trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp tội phạm nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; trường hợp cấp bách “để giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự theo điều động của cấp có thẩm quyền” tại khoản 2 Điều 11 và việc huy động người, phương tiện, thiết bị là “Trong trường hợp cấp bách để ngăn chặn, xử lý hoạt động phá rối an ninh, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí; giải tán các vụ tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, biểu tình trái pháp luật; đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn; chống dịch bệnh nghiêm trọng, Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam…”.
Tham khảo một số luật chuyên ngành như: Luật Cảnh vệ năm 2017, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2016 và Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 cho thấy, việc quy định các trường hợp này cũng không thống nhất. Tại Luật Cảnh vệ sử dụng cụm từ “trường hợp cấp bách”, nhưng Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Luật Biên phòng Việt Nam lại sử dụng cụm từ “trong trường hợp khẩn cấp”. Mặc dù các luật này đều không giải thích hay quy định cụ thể thế nào là cấp bách, khẩn cấp nhưng khi sử dụng cụm từ “trường hợp cấp bách” hoặc “trường hợp khẩn cấp” đều gắn liền với mục đích thực hiện nhiệm vụ của từng lực lượng để dễ thực hiện, tránh hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, thực hiện thiếu thống nhất.
Ví dụ: tại khoản 1 Điều 22 (Huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ) Luật Cảnh vệ quy định “Trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được huy động người, phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó…”; đồng thời bổ sung quy định “cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ huy động người, phương tiện có trách nhiệm hoàn trả phương tiện ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt” (khoản 2 Điều 22) hoặc tại Điều 18 Luật Biên phòng Việt Nam quy định “Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền, phương tiện vi phạm pháp luật, tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu người bị nạn, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam” hoặc “Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền, phương tiện vi phạm pháp luật, tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu người bị nạn, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động ở khu vực biên giới hỗ trợ, giúp đỡ” (khoản 4), đồng thời bổ sung quy định việc huy động phải phù hợp với khả năng thực tế của người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động và phải hoàn trả ngay sau khi tình thế khẩn cấp chấm dứt (khoản 2).
Do đó, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị chỉnh lý lại các điều khoản của dự thảo Luật Cảnh sát cơ động có sử dụng cụm từ “trường hợp cấp bách” theo hướng bổ sung vào ngay sau đó mục đích thực hiện nhiệm vụ để bảo đảm rõ ràng, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động dễ thực hiện nhiệm vụ, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của công dân đối với hoạt động của Cảnh sát cơ động. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu quy định nguyên tắc của việc huy động là phải phù hợp với khả năng thực tế của người, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động và phải hoàn trả ngay sau khi tình thế khẩn cấp chấm dứt; rà soát không nên lạm dụng cụm từ này.
Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn