Để chính sách dân tộc vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn Bài cuối: Sớm ban hành Luật về công tác dân tộc

Thứ năm - 17/03/2022 15:57
Để chính sách dân tộc vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn

Bài cuối: Sớm ban hành Luật về công tác dân tộc 

Qua thực tế làm việc với Chính phủ và các bộ có liên quan, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc nhận thấy, hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp. Đã đến lúc cần một đạo luật về công tác dân tộc để vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển thực sự bền vững.

Phối hợp chưa chặt chẽ, thiếu nhất quán

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc là chuyên đề giám sát khó. Và lẽ ra chuyên đề giám sát này phải thực hiện hàng năm, nhưng khi gộp lại giai đoạn 5 năm (2016 - 2021) nên càng khó hơn.

Thế nhưng, bằng nỗ lực, cố gắng của Đoàn giám sát, những vướng mắc trong việc ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc ngày càng sáng rõ hơn. Đó là: sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thật chặt chẽ, thiếu nhất quán trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách. Còn tình trạng có quá nhiều chính sách, do nhiều bộ, ngành quản lý, thiếu những quy định về trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc.

Đơn cử, để góp phần xóa đói, giảm nghèo cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý đã ra đời. Thế nhưng, muốn đẩy mạnh giao thương, xuất khẩu sản phẩm OCOP vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lại do... Bộ Công thương chịu trách nhiệm (?). Sự thiếu kết nối giữa hai Bộ dẫn đến tình trạng sản phẩm sản xuất ra, nhưng chưa liên kết được với thị trường, và hệ quả là có sản phẩm không có đầu ra.

Một vướng mắc nữa, đó là những hạn chế được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, như nguồn lực chưa tương xứng; việc khảo sát, đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật trong một số trường hợp chưa sát thực tiễn; không thực hiện nghiên cứu tác động của chính sách đối với người dân vùng dân tộc thiểu số… mà chưa có giải pháp khắc phục triệt để, và được thừa nhận ngay trong Báo cáo của Chính phủ. Thậm chí, có trường hợp, chính sách đã ra đời mà 10 năm sau mới ban hành thông tư hướng dẫn (?). Từ thực tế này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, Chính phủ phải “cân đong, đo đếm” tác động này tới cuộc sống của đồng bào. Trên thực tế, dù các bộ, ngành không có cơ quan chuyên trách làm công tác dân tộc, nhưng vẫn có Vụ Pháp chế. "Không thể nói vì chính sách rộng, mà có sự va chạm, không thống nhất, khó rà soát".

Thiếu văn bản quy phạm pháp luật ở tầm đạo luật

Thừa ủy quyền của Chính phủ tham gia các cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, một trong những nguyên nhân trọng yếu là chúng ta còn thiếu văn bản quy phạm pháp luật ở tầm một đạo luật, điều chỉnh thống nhất các chính sách dân tộc, làm công cụ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc, chính sách dân tộc. Để bảo đảm công tác dân tộc được thực hiện nhất quán, từ trên xuống, phải có khung pháp lý minh bạch, rõ ràng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho đến từng cộng đồng, người dân. Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị quyết của Quốc hội và Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nội dung liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật về chính sách dân tộc. Quyết định việc tổng rà soát đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về lĩnh vực công tác dân tộc. Chỉ đạo Chính phủ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu để đề xuất xây dựng một đạo luật về lĩnh vực dân tộc vào thời điểm thích hợp nhằm điều chỉnh toàn diện, đầy đủ các chính sách dân tộc, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về dân tộc và chính sách dân tộc, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc phát triển các dân tộc và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay.

Ghi nhận kiến nghị này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện lại báo cáo, rà soát, đánh giá tính đầy đủ, kịp thời của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc, "lọc bớt" những văn bản quy phạm pháp luật có quy định về phạm vi, đối tượng rất hẹp, rất nhỏ, không giải quyết vấn đề cho cả cộng đồng, cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

“Trọng tâm lớn của Đảng và Nhà nước giao trong lĩnh vực dân tộc đó là đồng bộ hóa, cụ thể hóa, chi tiết hóa các văn bản quy phạm pháp luật về công tác dân tộc; chuẩn hóa bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, tiếp tục đề xuất xây dựng Luật về công tác dân tộc". Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, "hiện nay, vấn đề xây dựng luật về công tác dân tộc được coi là một trong 4 nội dung trọng tâm trong Chương trình hành động của Hội đồng Dân tộc nhiệm kỳ Khóa XV”.

Trong các kỳ Đại hội, Đảng ta đều khẳng định vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc, nhấn mạnh đây là vấn đề cơ bản, trọng yếu, lâu dài, xuyên suốt toàn bộ quá trình cách mạng. Thực hiện nhiệm vụ chiến lược đó là góp phần quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Tuy nhiên, qua đợt giám sát của Hội đồng Dân tộc cho thấy, sự quan tâm cho vấn đề dân tộc vẫn chưa thực sự tương xứng. Một trong những ví dụ, đó là hiệu lực các văn bản quy phạm pháp luật cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn thấp. Thực tế giám sát cũng cho thấy: đã đến lúc cần nghiên cứu có một đạo luật để vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển thực sự bền vững.

Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây