CPI sẽ chịu tác động lớn?

Thứ sáu - 12/05/2023 08:12

Sau 4 năm kể từ lần tăng gần nhất hồi tháng 3.2019, đến nay giá điện mới được điều chỉnh. Tuy nhiên, ngay sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 4.5.2023 tăng 3% so với giá điện bán lẻ hiện hành, đã có nhiều ý kiến lo ngại chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ chịu tác động lớn.

   

Lo ngại này là có cơ sở bởi điện được dùng trong hầu hết các hoạt động và tiêu dùng của nền kinh tế. Cho nên khi tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước và giảm chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Bên cạnh đó, tăng giá điện sẽ gây áp lực khá lớn lên lạm phát và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán, nếu giá điện tăng 8% sẽ khiến GDP giảm 0,36% và lạm phát tăng 0,5%. Nếu giá điện tăng 10% sẽ khiến GDP giảm 0,45% và lạm phát tăng 0,61%.

Trong trường hợp giá điện tăng 3%, một chuyên gia cho rằng, tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 là 1,099%, tác động lan tỏa vòng 2 là 0,18%. Với các ngành sử dụng nhiều điện như ngành thép giá thành sản phẩm sẽ tăng 0,18%, xi măng tăng 0,45%, dệt may tăng 0,4%... Về lý thuyết là vậy, nhưng mức tăng thực tế như thế nào còn tùy thuộc vào sự chấp nhận của thị trường, cung cầu và hiệu quả của các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát và các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh - vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Ý kiến khác cũng cho rằng, mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân cả năm nay ở mức khoảng 4,5% vẫn đang thực hiện được và trong tầm kiểm soát theo đúng lộ trình nên ảnh hưởng từ tăng giá điện là không đáng lo ngại, dù một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện sẽ bị ảnh hưởng. Đến tháng 7 tới, cùng với việc thực hiện tăng lương cơ sở, việc tăng giá điện có thể có tác động nhưng chỉ số lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường hiện nay không lớn.

Từ những phân tích và căn cứ vào thực tế là CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước thì có thể CPI chưa phải chịu nhiều tác động. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan bởi một số lĩnh vực, dịch vụ có thể tăng giá kiểu "té nước theo mưa". Do đó, ngay từ bây giờ cơ quan quản lý cần có chính sách bình ổn giá; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch giá để tránh tình trạng tăng giá bất hợp lý.

Với người tiêu dùng, mặc nhiên không ai muốn tăng giá nhưng trong bối cảnh hiện nay, giá điện tăng là điều khó tránh. Và dù chỉ tăng 3% nhưng cũng vẫn sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nguồn thu nhập, chi tiêu của người dân và chi phí tăng thêm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Cho nên các doanh nghiệp và hộ gia đình phải điều chỉnh, cơ cấu lại chi phí, thực hiện tiết kiệm điện; thúc đẩy quá trình đầu tư chuyển đổi năng lượng xanh.

Đặc biệt, cùng với việc tăng giá là "sức ép" xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Bởi khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn độc quyền ở khâu bán lẻ điện, người dân sẽ được mua điện của nhiều nhà cung cấp với giá đàm phán. Nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ có lợi nhất để thu hút khách hàng.

Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây