PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI: BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG DỰ ÁN LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG (SỬA ĐỔI) TRƯỚC KHI TRÌNH KỲ HỌP THỨ 3

Thứ năm - 20/01/2022 07:05
Phát biểu kết luận tại phiên họp về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu thấu đáo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm chất lượng dự án luật trình tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên thảo luận

Dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội; gửi Công văn đề nghị Ban soạn thảo phối hợp tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội; tổ chức các cuộc làm việc với các cơ quan có liên quan, tổ chức lấy ý kiến tại địa phương, tổ chức rà soát, chỉnh lý dự án Luật. Các vị đại biểu Quốc hội đã góp ý về các điều khoản quy định về các nội dung: đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; mục tiêu và nguyên tắc thi đua, khen thưởng; tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua; về hình thức khen thưởng; về đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương, Danh hiệu vinh dự Nhà nước; về thẩm quyền đề nghị khen thưởng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi đua, khen thưởng ...

Ngày 12/01/2022, Thường trực Ủy ban Xã hội đã họp với Thường trực Ban soạn thảo, đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu để cho ý kiến về các nội dung lớn báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. Qua chỉnh lý bước đầu, dự thảo Luật còn 97 điều, giảm 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, bỏ 02 điều (Điều 70 về Huy hiệu; Điều 94 về Khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng), bổ sung 01 điều về quy định chuyển tiếp. Dự thảo đã bổ sung nội dung về bổ sung đối tượng được tặng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” (Điều 21); nêu rõ về đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc (Điều 48); tiêu chuẩn tặng thưởng Huân chương Hữu nghị (Điều 50); bổ sung tiêu chuẩn cá nhân được nhận “Giải thưởng Nhà nước”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh” (Điều 66).

Phát biểu tại Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự chủ động của Ủy ban Xã hội trong việc phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành liên quan; đồng thời nhấn mạnh do xác định sửa luật lần này là việc làm rất khó, rất quan trọng nên lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp này, các đại biểu đã thảo luận về tiêu chuẩn, các danh hiệu thi đua, thẩm quyền đề xuất khen thưởng, hồ sơ khen thưởng, lĩnh vực khen thưởng trong khu vực tư nhân, doanh nghiệp, vấn đề khen thưởng của Quốc hội, khung hướng dẫn chung… Nhìn chung các ý kiến phát biểu đồng tình có hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, theo hướng giới hạn về phạm vi, cao hơn về yêu cầu, không cao hơn đối với khen thưởng của Quân đội.

Về vấn đề tổng kết khen thưởng thành tích kháng chiến, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm báo cáo các cấp có thẩm quyền về thành tích kháng chiến trong quý 1-2022.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội bảo đảm chất lượng, sắp tới Ủy ban Xã hội cần tổng hợp, trình bày rõ hơn các ý kiến của đại biểu Quốc hội, có chính kiến, lập luận rõ ràng, thuyết phục đối với các vấn đề xin ý kiến Quốc hội; cần có sự phối hợp thảo luận kỹ lưỡng giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu và Viện Nghiên cứu lập pháp; cần nêu rõ những nội dung nào cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã thống nhất, vấn đề nào chưa thống nhất nêu rõ lý do, chú ý kỹ thuật lập pháp, từ ngữ, câu chữ chính xác, rõ ràng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ có báo cáo giải trình, tiếp thu bằng văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời nêu rõ, nếu cần thiết các cơ quan hữu quan có thể tổ chức hội nghị xin ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách để lấy ý kiến thêm; Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ động phối hợp với Ban soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi để bảo đảm chất lượng dự án luật để trình tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, dự kiến vào tháng 5 tới./.

Theo Thu Phương / quochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây