GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI BƯỚC ĐẦU THÚC ĐẨY THỰC HIỆN BẢO ĐẢM TIẾN ĐỘ, CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC QUY HOẠCH.

Thứ ba - 26/04/2022 10:29
Theo chương trình phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội thời gian qua đã phát huy tác động tích cực, thúc đẩy Chính phủ quan tâm tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương chú ý tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện để kịp tiến độ và bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch.

Tại phiên làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Cán sự đảng Chính phủ liên quan đến nội dung chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch không ít khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ lập quy hoạch so với yêu cầu và mong muốn của Chính phủ, Quốc hội. Trước tình hình đó, Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” là một trong hai giám sát tối cao đầu tiên của nhiệm kỳ. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đây là điểm mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội bởi trước đây giám sát chủ yếu là hậu kiểm nhưng nay giám sát về nội dung, vấn đề đang triển khai thực hiện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi.

Buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Cán sự đảng Chính phủ về nội dung giám sát chuyên đề

Thực hiện Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và Nghị quyết số 19/2021/QH15 ngày 27/7/2021 về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Đoàn giám sát đã xây dựng đề cương báo cáo gửi Chính phủ, các Bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu báo cáo.Trong quá trình giám sát, các Bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc báo cáo bổ sung theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Yêu cầu Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ có ý kiến tham gia về công tác quy hoạch thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đoàn giám sát đã điều chỉnh kế hoạch, tổ chức làm việcvới 11 Bộ và 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đoàn giám sát cũng đã có buổi làm việc với Chính phủ và các Bộ. Bên cạnh đó, các cơ quan phối hợp gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Đoàn giám sát. Cùng với đó, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với Đoàn giám sát tổ chức tọa đàm, hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin phục vụ Đoàn giám sát xây dựng báo cáo kết quả giám sát.

Quy hoạch là một nhiệm vụ khó, phức tạp, có tầm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các vùng, các địa phương, do đó, trong quá trình giám sát, Lãnh đạo Quốc hội đã dành thời gian để tham dự nhiều cuộc làm việc với Chính phủ, Bộ, ngành địa phương hoặc họp Đoàn. Đặc biệt, ngày 21/4/2022, Lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với Lãnh đạo Chính phủ để đánh giá kỹ lưỡng các kết quả, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là thống nhất các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác quy hoạch trong thời gian tới.

Đoàn giám sát làm việc với Chính phủ

Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, kết quả các buổi làm việc, tọa đàm, Đoàn giám sát nhận thấy, Chính phủ, các Bộ, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã chuẩn bịbáo cáo nghiêm túc, chất lượng, đánh giá sâu sắc,bám sát đề cương yêu cầu của Đoàn giám sát tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa chấp hành nghiêm túc việc báo cáo.

Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát đã đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội,các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; Đánh giá cụ thể việc sử dụng nguồn lực cho công tác quy hoạch; lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; tiến độ triển khai; tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định, hệ thống giữa các quy hoạch; căn cứ, yêu cầu, nội dung quy hoạch của từng cấp/loại quy hoạch theo hệ thống quy hoạch quốc gia; tác động đối với công tác quản lý nhà nước, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thay thế các quy hoạch đã hết hiệu lực; việc xây dựng, vận hành, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia…; Việc quản lý các quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân;Trách nhiệm có liên quan của cơ quan, tổ chức, cá nhân người đứng đầu trong công tác quy hoạch; Kiến nghị, đề xuất giải pháphoàn thiện vànâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch.

Như Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đến nay giám sát đã cho thấy những kết quả bước đầu, có những chuyển biến tích cực, từ đó quyết liệt đôn đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch tại các cơ quan và địa phương.  

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp của Đoàn giám sát về công tác chuẩn bị báo cáo kết quả giám sát

Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội có tác động lớn, tích cực đã thúc đẩy Chính phủ quan tâm tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương chú ý tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện để kịp tiến độ và bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch; một số ngành, địa phương (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tỉnh Bắc Giang) đã có nhiều cố gắng, khắc phục các vướng mắc, khó khăn để hoàn thành các quy hoạch được giao. Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 chậm so yêu cầu của thực tiễn.

Đối với các quy hoạch đã được phê duyệt, cũng còn một số vấn đề cần quan tâm. Theo đó,  Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long cần lưu ý về ý nghĩa và giá trị hoạt động kinh tế, văn hóa, giao lưu, lưu thông phân phối; mối quan hệ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng miền Đông Nam Bộ; các nội dung và giải pháp về văn hóa trong quy hoạch chưa tương xứng với các lĩnh vực khác, chưa có giải pháp đột phá, như giải quyết vấn đề “vùng trũng giáo dục”.

Quy hoạch tỉnh Bắc Giang cần lưu ý vai trò của tỉnh Bắc Giang trong Vùng Thủ Đô, mối quan hệ liên kết với Lạng Sơn, Vùng đồng bằng sông Hồng, cũng như với các tỉnh Vùng trung du miền núi phía Bắc.

04 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải đã được phê duyệt cần lưu ý tính đồng bộ, kết nối của 05 phương thức vận tải và tính khả thi trong việc thực hiện các quy hoạch đã được duyệt.

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, trong quá trình Quốc hội xem xét đã có địa phương phản ánh nội dung trong quy hoạch chưa phản ánh đúng thực trạng sử dụng đất ở địa phương. Vì vậy, trong Nghị quyết 39 Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện dữ liệu hiện trạng sử dụng đất để trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh nếu có sự sai khác về số liệu hiện trạng sử dụng đất, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận được kiến nghị của địa phương về chỉ tiêu đất được phân bổ chưa bảo đảm thu hút đầu tư các dự án lớn. Ngoài những vấn đề cần lưu tâm như đã đề cập, công tác lựa chọn đơn vị tư vấn gặp nhiều khó khăn, số lượng, chất lượng tổ chức tư vấn hạn chế, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu còn chưa hoàn thiện, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chưa cao... đều có ảnh hưởng đến chất lượng của các quy hoạch đã được phê duyệt.

Đoàn giám sát làm việc với thành phố Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, Long An và Sóc Trăng theo hình thức trực tuyến.

Đoàn giám sát cho rằng, mặc dù việc triển khai các công tác quy hoạch đã cơ bản bảo đảm tuân thủ đúng các quy định về quy trình, thủ tục, nội dung theo Luật Quy hoạch, tuy nhiên, đối với chất lượng của các quy hoạch này cần phải có thời gian kiểm nghiệm trên thực tiễn mới có đủ cơ sở để đánh giá đầy đủ, toàn diện, chính xác, đồng thời chất lượng quy hoạch sẽ khó được bảo đảm nếu cố gắng thực hiện mục tiêu của Chính phủ là phê duyệt toàn bộ các quy hoạch trước ngày 31/12/2022.

Việc chậm quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã gây khó khăn cho việc dự báo về thị trường, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư do nguy cơ thiếu quỹ đất; ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tác động đến sự phát triển của đất nước, nhất là việc thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-  2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Do đó, việc ưu tiên tập trung nguồn lực và công tác chỉ đạo để sớm hoàn thành các quy hoạch quan trọng, bảo đảm chất lượng các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 là thực sự cần thiết.

Theo chương trình, chiều 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe trình bày báo cáo và cho ý kiến báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Theo Bảo Yến - quochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây