Chủ tịch Quốc hội: Gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ nếu dùng lãng phí là có lỗi với dân

Thứ tư - 05/01/2022 10:16
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, gói hỗ trợ gần 350 nghìn tỷ đồng nếu dùng không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với người dân.
Chiều 4.1, Quốc hội thảo luận tại tổ về gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
Tại tổ thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, gói tài khóa, tiền tệ lần này có gần 350 nghìn tỷ đồng, là gói chính sách bổ sung, nằm ngoài khung khổ đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 được Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.
"Khung khổ quyết định rồi, giờ ngoài khung khổ tăng thêm thì rõ ràng có rủi ro, nên cần thận trọng, vì quyết định không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với sự phát triển của đất nước, với dân vì suy cho cùng đó là tiền thuế của dân", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cho rằng rủi ro chính sách là có, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phải phân bổ nguồn lực cho đúng, trúng, sử dụng hiệu quả, khả thi, có tính lan tỏa cao. Thời gian thực hiện chỉ có 2 năm, nếu không bảo đảm triển khai nhanh, hiệu quả thì không còn là gói hỗ trợ khẩn cấp nữa.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận tại tổ, chiều 4.1.
Theo ông Vương Đình Huệ, các nội dung Kỳ họp bất thường đã được chuẩn bị từ rất sớm, khi Quốc hội đang tiến hành Kỳ họp thứ Hai.
Với quyết tâm không để các vấn đề cấp bách đối với sự phục hồi, phát triển KT-XH của đất nước phải chờ đến Kỳ họp tháng 5.2022 mới trình Quốc hội xem xét, quyết định, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội làm rất nhiều việc để chuẩn bị cho 4 nội dung trình Kỳ họp bất thường.
Riêng với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển KT-XH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có nhiều cuộc làm việc với các cơ quan của Chính phủ và Chính phủ. Có những nội dung đã trình đi trình lại nhiều lần cho đến khi đạt được sự thống nhất về quy mô, cách thức hỗ trợ.
Đến nay, Chính phủ đã tiếp thu tối đa các vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra, có những nội dung ban đầu trình là không có nhưng trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội đã được bổ sung.
Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ về chính sách điều chỉnh thuế VAT, ban đầu Chính phủ không đề xuất, sau đó đề xuất với mức giảm thuế 1% và thực hiện trong 3 năm 2021, 2022, 2023. Tuy nhiên, chỉ giảm 1% thì không tạo được cú hích về tiêu dùng nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tăng lên 2% nhưng thu hẹp phạm vi, áp dụng cho các mặt hàng thiết yếu, lượng tiêu dùng lớn và trước mắt có thể áp dụng trong 1 năm.
Lần này Chính phủ đã tiếp thu, đề nghị giảm thuế VAT 2% và áp dụng trong năm 2022 để tạo cú hích tiêu dùng vì sức cầu của nền kinh tế đang rất yếu.
"Các nước có điều kiện đã phát tiền trực tiếp cho dân. Chúng ta không có điều kiện phát tiền mặt như vậy nhưng chính sách giảm thuế sẽ giúp đạt 2 mục tiêu, vừa san sẻ gánh nặng cho người dân vừa kích cầu nền kinh tế.
Khi hàng hóa tiêu thụ tăng lên thì tổng thu ngân sách chưa chắc đã giảm. Tương tự như chính sách giảm thuế trước bạ 50% trong năm 2021, tổng thu ngân sách chẳng những không giảm mà còn tăng lên",  ông Vương Đình Huệ nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tăng thuế các giao dịch chứng khoán để hỗ trợ nền kinh tế, bởi hiện nay chứng khoán ở Việt Nam tăng trưởng rất mạnh, rất lớn. "Chứng khoán để nóng quá, nếu không điều tiết dẫn đến vốn rơi vào đầu cơ là không lành mạnh. Hay đấu giá ở Thủ Thiêm, 1m2 đất mà 2,4 tỷ đồng là chưa bao giờ có và Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này" - ông Vương Đình Huệ nói thêm.
Theo QUANG TUYỀN - XUÂN TRƯỜNG (VTC News)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây