Cử tri tỉnh Bình Định cho rằng: Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, nhiều hoạt động giám sát đem lại kết quả có nhiều vụ việc ở nhiều lĩnh vực đã được thanh tra, làm rõ, nhiều vụ án tham nhũng lớn liên quan đến cán bộ lãnh đạo cấp cao đã được đưa ra xét xử, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên tình trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay vẫn diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp; việc xử lý của cơ quan chức năng còn chậm, thiếu kiên quyết hoặc chưa minh bạch... Đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại các ngành, các cấp đồng thời có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác này.
Tại Công văn số 1466/TTCP-KHTH ngày 25/8/2020, Thanh tra Chính phủ đã phúc đáp kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định, cụ thể như sau:
Trong thời gian qua, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chi đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được đẩy mạnh, kịp thời xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức, cá nhân sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh việc giải quyết, xử lý các vụ án, vụ việc với quyết tâm cao, quyết liệt hơn. Các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, một số vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất vụ lợi, chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu, tranh phòng, chống tham nhũng, đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ và đồng đều hơn. Nhiều vụ việc phức tạp đã giải quyết vượt tiến độ, kế hoạch. Công tác thu hồi tài sàn ngay trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng năm 2019 đạt kết quả tích cực và có sự tiến bộ rõ nét.
Để kết quả công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục có hiệu quả hơn nữa, hiện nay Đảng và Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cụ thể sau:
Một là, tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị; quy định về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; cơ chế kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng...
Hai là, rà soát, xác định rõ những cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng; những khâu, những lĩnh vực quản lý còn bị buông lỏng dẫn đến những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chât đã lợi dụng để tham nhũng; đặc biệt là cơ chế chính sách và công tác quản lý trên những lĩnh vực mà thực tế thời gian qua xảy ra nhiều sai phạm, tham nhũng lớn như đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý vốn và tài sàn nhà nước trong doanh nghiệp... để từ đó khẩn trương có giải pháp khắc phục bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan chống tham nhũng.
Bốn là, tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm và có hiệu quả Quy định số 179-QĐ/TW ngày 25/02/2019 của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; tăng cường kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm.
Năm là, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; quản lý sử dụng đất đai; đầu tư theo hình thức BT, BOT; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; các dự án mua sắm lớn từ ngân sách nhà nước... Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là những kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách, thu hồi đất đai, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Sáu là, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
CHÍ THỊNH