Chiều 27.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về hai dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tham gia thảo luận ở tổ, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. ĐB Lê Kim Toàn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, thống nhất về tăng hạn tuổi phục vụ trong dự thảo Luật, nhưng góp ý thêm căn cứ theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ) thì tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam (năm 2028) và 60 tuổi đối với nữ (năm 2035).
Theo ĐB Lê Kim Toàn, đối với những trường hợp sĩ quan nào áp dụng tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất đến tuổi nghỉ hưu bằng các lĩnh vực, ngành nghề khác như quy định trong BLLĐ (nam 62, nữ 60) thì cũng nên tăng hạn tuổi theo lộ trình quy định của BLLĐ. Còn các trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan có độ tuổi tăng lên nhưng chưa bằng độ tuổi về hưu theo quy định của BLLĐ thì có thể áp dụng “lộ trình đặc biệt” tăng ngay một lần, đáp ứng nhu cầu công việc...
Trong dự thảo Luật có Điều 30 điểm a khoản 1, quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an là nam 62, nữ 60. ĐB Lê Kim Toàn cho rằng trong công nhân công an làm việc ở các cơ sở của lực lượng Công an nhân dân, có những lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại, nên cũng cần áp dụng như BLLĐ đối với một số trường hợp có đủ năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại thì được nghỉ hưu sớm 5 năm so với tuổi quy định.
“Nếu chỉ chỉnh sửa ở mức độ nâng độ tuổi chung của công nhân công an mà không áp dụng theo các quy định khác của BLLĐ thì khi áp dụng ở nhiều trường hợp cụ thể ở các lĩnh vực cụ thể sẽ khó khăn”, ĐB Lê Kim Toàn nhìn nhận.
Còn ĐB Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, thì cho rằng vấn đề về tổng số sĩ quan tăng hạn kéo dài hơn tuổi về hưu như thế thì mức lương phải chi trả chưa có đánh giá cụ thể, tạo nên nỗi lo… Qua tham khảo từ các LLVT nước ngoài, tôi đều thấy có thống kê tỷ lệ phần trăm sĩ quan trong tổng quân số, như đại tá chiếm bao nhiêu phần trăm, thiếu tướng chiếm bao nhiêu phần trăm.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu góp ý thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, tăng thời hạn phục vụ thì số lượng sĩ quan cấp tá tăng lên nhiều, số lượng cấp tướng tuy có khống chế nhưng có khi cũng chưa hợp lý…Từ đó, ĐB Hiếu đề nghị nên chọn phương án tính tỷ lệ phần trăm sĩ quan trong tổng quân số (có thể ứng dụng cho cả bên lực lượng quân đội và CA) để áp dụng trong những tình huống nào đó sẽ chính xác hơn…
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn