Sáng 15.8, tại Hội trường Diên Hồng, Tòa Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại phiên họp thứ 25 về các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp.
Nội dung chất vấn tập trung vào các vấn đề thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Tham dự tại điểm cầu Nhà Quốc hội có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.
Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 63 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự tại điểm cầu Bình Định có đồng chí Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các ĐBQH tỉnh công tác tại địa phương; đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
Quang cảnh phiên chất vấn tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: N. HÂN |
Phát biểu tranh luận về việc nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã giải trình và đưa ra một số giải pháp. Tuy nhiên thực tế việc chấp hành nguyên tắc xây dựng pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa nghiêm.
“Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan trình dự án Luật phải trình kèm theo các dự thảo hướng dẫn. Đề nghị trong thời gian tới Bộ trưởng cần có giải phải pháp cụ thể hơn để khi trình các dự án Luật phải kèm theo các dự thảo hướng dẫn” - đại biểu Thủy đề nghị.
Giải trình về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chia sẻ trong quá trình soạn thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có tranh luận gay gắt việc quy định trình dự án luật phải trình kèm theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành. Tuy nhiên, thực tế thực hiện rất khó khăn, nhiều ý kiến đề xuất xin thôi không thực hiện quy định này.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, mặc dù đây là quy định tốt nhưng không khả thi. Nếu những nội dung đã dự thảo được trong dự thảo nghị định thì đã quy định luôn trong luật. Mặt khác, nếu làm nghị định như vậy là bỏ qua các bước khác trong quy trình ban hành văn bản. Thực tế có một số các dự thảo luật trình kèm dự thảo nghị định nhưng so với bản ban hành thì nghị định thay đổi gần như toàn bộ.
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Lê Thành Long, đại biểu Đồng Ngọc Ba thuộc Đoàn ĐBQH Bình Định nêu vấn đề thực tiễn hiện nay, chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật còn chưa đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Nhiều vấn đề liên quan đến đăng kiểm, sách giáo khoa, phòng cháy chữa cháy… trong thời gian qua chủ yếu liên quan đến tính hợp lý, khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
“Theo Nghị định 154 của Chính phủ năm 2020, Chính phủ đã giao cơ quan kiểm tra văn bản mà Bộ Tư pháp là đầu mối có thể kiến nghị về tính khả thi, hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật khi hậu kiểm. Đây là vấn đề mới, khó, quyết định chất lượng việc hậu kiểm. Bộ trưởng đã và sẽ triển khai những giải pháp gì để thực hiện nhiệm vụ này?”, đại biểu Ba đặt câu hỏi chất vấn.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận hiện tuổi thọ văn bản quy phạm pháp luật, các luật đang ở mức thấp. Về sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng cho rằng cần tính toán, cân nhắc, nhìn nhận cụ thể.
Bộ trưởng cho biết, liên quan đến trách nhiệm thẩm định, Bộ đã có nhiều cố gắng, nhưng mới chỉ đạt được mức độ kết quả nhất định. Hệ thống pháp luật của chúng ta rất đa dạng các hình thức, Bộ đang cố gắng phát huy cơ chế của hội đồng thẩm định, nhưng không phải trong mọi trường hợp hội đồng thẩm định đều hoạt động tốt, vì có nhiều trường hợp đối tượng được mời cử đại diện đến làm việc. Bên cạnh đó, những nỗ lực để đơn vị pháp chế của các bộ, ngành, địa phương đóng góp thêm vào công tác này đã đạt được một số kết quả cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết, việc tuyển chọn nhân sự làm công tác xây dựng pháp luật, cần có các chế độ ưu tiên, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để thu hút nhân tài, giữ chân nhân lực. Đó là những giải pháp Bộ đang thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác thẩm định. Tuy nhiên, Bộ vẫn đang chịu nhiều áp lực công việc, khi có những yêu cầu, chỉ đạo thẩm định trong vòng 2 - 3 ngày.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn