QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Thứ tư - 20/10/2021 16:03
Chiều 20/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Toàn cảnh Phiên họp

Thống nhất sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga cho biết, Uỷ ban Tư pháp tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) và yêu cầu theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội. Đồng thời, việc ban hành Luật cũng đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nói riêng và phù hợp với thực tiễn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng nói chung.

“Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, VKSNDTC đã chuẩn bị hồ sơ dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, đáp ứng đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Tán thành nhiều nội dung cụ thể của dự thảo Luật

Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 BLTTHS về Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại và khoản 8 Điều 157 BLTTHS về Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, Uỷ ban Tư pháp nhận thấy: khoản 1 Điều 226 BLHS quy định Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Điểm g khoản 6 Điều 18.77 Hiệp định CPTPP quy định, các quốc gia thành viên cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý mà không cần có khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu, Hiệp định không đặt ra yêu cầu đối với chỉ dẫn địa lý. Như vậy, nếu sửa đổi, bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến toàn bộ khoản 1 Điều 226 của BLHS như đề nghị của VKSNDTC thì sẽ mở rộng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP.

Về nội dung này, đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp đề nghị chỉ sửa đổi khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 của BLTTHS để bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới khoản 1 Điều 226 của BLHS về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không sửa đổi quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, có ý kiến tán thành đề nghị của VKSNDTC vì cho rằng, BLHS quy định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trên cơ sở xác định các hành vi này có đặc điểm, tính chất, mức độ nguy hiểm tương đồng, do đó, cần được áp dụng thống nhất về chính sách xử lý

Về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 BLTTHS về Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, theo Tờ trình, VKSNDTC đề nghị sửa đổi Khoản 3 Điều 146 BLTTHS: bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho Công an xã (như đối với Công an phường, thị trấn, Đồn Công an).

Tán thành chủ trương bổ sung trách nhiệm cho Công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của VKSNDTC, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, về thời điểm sửa đổi, bổ sung quy định này thì UBTP còn có 02 loại ý kiến. Trong đó, đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi khoản 3 Điều 146 của BLTTHS ngay trong lần sửa đổi này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát huy nguồn lực của Công an xã để kịp thời xử lý các vụ việc tại địa bàn cơ sở ngay khi tiếp nhận tố giác, tin báo, đồng thời giúp giảm tải cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp huyện khi đã thực hiện việc điều động số lượng lớn cán bộ, chiến sỹ xuống cấp xã.

Có ý kiến đề nghị chưa sửa đổi khoản 3 Điều 146 của BLTTHS trong lần sửa đổi này vì cần được xem xét, đánh giá kỹ hơn về năng lực đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật để bảo đảm tính khả thi.

Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 BLTTHS về Tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; khoản 1 Điều 229 BLTTHS về Tạm đình chỉ điều tra; khoản 1 Điều 247 của BLTTHS về Tạm đình chỉ vụ án, đa số ý kiến UBTP tán thành với đề nghị của VKSNDTC.

“Trước tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong một thời gian dài, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Đồng thời, từ kinh nghiệm thực tiễn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cho thấy, BLTTHS cần có quy định mang tính dự phòng trong trường hợp bất khả kháng vì thiên tai, dịch bệnh”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không bổ sung các căn cứ tạm đình chỉ như đề nghị của VKSNDTC vì sẽ dẫn đến phải kéo dài thời gian giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến yêu cầu xử lý kịp thời tội phạm.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với đề nghị của VKSNDTC về việc sửa khoản 1 Điều 44 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự; Tán thành sự cần thiết giao quy định chi tiết về căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”, để bảo đảm việc áp dụng căn cứ này chặt chẽ, thống nhất, tránh lạm dụng trong thực tiễn. Đồng thời đề nghị VKSNDTC tiếp tục tiếp tục rà soát kỹ lưỡng dự thảo văn bản quy định chi tiết, bảo đảm chặt chẽ về nội dung, thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Phòng, chống thiên tai và tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Tác giả bài viết: Theo quochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây