Tại phiên giám sát của Quốc hội về huy động quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid - 19 và thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí ban hành Nghị quyết giám sát của Quốc hội, giao trách nhiệm cho các cơ quan tổ chức thực hiện với thời hạn, bước đi và yêu cầu cụ thể nhằm đáp ứng cả trước mắt và lâu dài, cả xây và chống, phù hợp với tình hình thực tế.
Chuyên đề giám sát thiết thực, kịp thời và hiệu quả
Qua 1 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, phiên giám sát tối cao của Quốc hội đã có 48 đại biểu phát biểu ý kiến, đại diện Chính phủ có 3 Bộ trưởng, đồng thời cũng là đại biểu Quốc hội đã phát biểu tiếp thu, giải trình nhiều ý kiến cụ thể. Theo ghi nhận của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, không khí thảo luận tại phiên họp của Quốc hội rất dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn, nhiều nội dung, ý kiến phong phú, sâu sắc, toàn diện, có giá trị cao cả về nhận thức, lý luận và thực tiễn, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội đối với nội dung giám sát.
Nhìn lại tổng thể phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát này là thiết thực, kịp thời, hiệu quả; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của Đoàn giám sát cùng các cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, chính quyền, cấp ủy địa phương các cấp trong việc thực hiện giám sát, góp phần nâng cao chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời cũng đã tập trung phân tích, làm sâu sắc thêm nhiều nội dung cụ thể về tình hình, kết quả tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và các giải pháp sắp tới cả về trước mắt và lâu dài.
Cụ thể, Quốc hội đánh giá việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế, cơ sở y tế dự phòng thời gian qua luôn được Đảng, Nhà nước, địa phương, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm, đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong giai đoạn dịch bệnh và đã đóng góp rất quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Quốc hội khẳng định quyết tâm chung sức, đồng lòng, tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định để đất nước ta chiến thắng đại dịch Covid - 19; sự nỗ lực của Chính phủ, của chính quyền địa phương, của cả hệ thống chính trị, của cấp ủy các cấp, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, tổ chức xã hội, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và của cộng đồng quốc tế; cùng với sự tự giác chấp hành và hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau trong toàn dân, trong tất cả các tổ chức xã hội, kể cả các tổ chức tôn giáo... đã đóng góp rất quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống đại dịch, coi đây là sự chiến thắng của toàn thể nhân dân ta.
Quốc hội tôn vinh, ghi nhận, trân trọng cảm ơn sự đóng góp rất lớn cả về trí tuệ, tài sản, vật chất, công sức, tinh thần của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tuyến đầu của ngành y tế, lực lượng vũ trang và các lực lượng trực tiếp tại cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh, sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, trong đó nhiều người đã hy sinh cả sức khỏe, quyền lợi của bản thân, quyền lợi của gia đình, thậm chí hy sinh xương máu và tính mạng vì sự nghiệp phòng chống đại dịch, vì sức khỏe của Nhân dân và nhiều người đã ra đi mãi mãi không bao giờ trở lại. Đó là những tấm lòng cao cả, những công lao, đóng góp vô cùng to lớn mà cả nước ta, Nhân dân ta luôn ghi nhớ và tôn vinh. Đó cũng là truyền thống đạo lý tốt đẹp, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, đất nước Việt Nam.
Làm rõ hơn trách nhiệm của các tồn tại, hạn chế
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng chỉ rõ, việc thực hiện chính sách pháp luật, huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập cả ở khâu xây dựng pháp luật lẫn khâu tổ chức thực hiện. Các đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc thêm những tồn tại, hạn chế này và chỉ ra nhiều nguyên nhân, làm rõ hơn trách nhiệm của các tồn tại, hạn chế và thống nhất cần có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Các đại biểu Quốc hội cũng cơ bản nhất trí cao với việc ban hành nghị quyết giám sát của Quốc hội. Nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, toàn diện, cụ thể và trực tiếp vào các nội dung của dự thảo Nghị quyết, cả về đánh giá thực trạng, nguyên nhân, kinh nghiệm, giải pháp và giao trách nhiệm cho các cơ quan để tổ chức thực hiện với thời hạn, lộ trình, bước đi và yêu cầu cụ thể nhằm đáp ứng cả trước mắt và lâu dài, cả xây và chống, cả tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm công minh, đúng pháp luật, phù hợp với bối cảnh thực tế cả trong lĩnh vực huy động quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống Covid - 19 và cả trong lĩnh vực chính sách, pháp luật đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Nêu rõ, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội gửi đến từng đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan để nghiên cứu và tổ chức thực hiện theo chức năng, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn giám sát sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan, hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp này.
"Nội dung phát biểu của các đại biểu Quốc hội rất rộng và sâu sắc, nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, ghi vào nghị quyết giám sát của Quốc hội. Đối với các vấn đề không ghi được vào nghị quyết vì liên quan các đề án khác, Đoàn giám sát sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp thu, nghiên cứu để xây dựng các đề án khác có liên quan. Những vấn đề cụ thể có thể thực hiện được ngay sẽ đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tổ chức thực hiện ngay. Vừa qua, Đoàn giám sát và Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã phối hợp trực tiếp, nhiều vấn đề đã xử lý ngay trong quá trình giám sát", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết.
Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn