Bốn nội dung Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường

Thứ ba - 28/12/2021 16:40

Quốc hội sẽ xem xét chương trình phục hồi kinh tế, dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025... tại kỳ họp bất thường, đầu năm 2022.

Trả lời VnExpress ngày 28/12, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra từ ngày 4/1 đến 11/1/2022 để xem xét những vấn đề cấp bách, cấp thiết theo đề nghị của Thủ tướng và sự xem xét kỹ lưỡng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại kỳ họp này, đại biểu họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu các tỉnh, thành; biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad.

Bốn nội dung sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đầu tiên là dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025.

Thứ ba, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Thứ tư, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

 
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Giang Huy

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Giang Huy

Chính sách tài khóa, tiền tệ

Đây là chính sách bổ sung, nằm ngoài chính sách đã được Quốc hội quyết định cho giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và năm 2022. Gói tài khóa, tiền tệ này khi được ban hành sẽ góp phần quan trọng vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Cường, với tinh thần "vào cuộc từ sớm, từ xa", để có cơ sở nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng trước khi xem xét quyết định nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ đã chỉ đạo các cơ quan chủ động nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay, cũng như tác động của đại dịch trong từng lĩnh vực; xác định dư địa còn lại cho điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ.

Đồng thời, các cơ quan cũng tăng cường làm việc với chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 "Phục hồi và Phát triển bền vững" nhằm góp phần làm rõ, củng cố luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế trong ban hành chính sách.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp bất thường, sau khai mạc, các đại biểu sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chính sách tài khóa, tiền tệ. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại 72 tổ, rồi thảo luận tại hội trường theo hình thức trực tuyến.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có báo cáo tiếp thu giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết điện tử thông qua các Nghị quyết, Luật đã thảo luận.

Hiện nội dung chi tiết của chính sách tài khóa, tiền tệ chưa được công bố. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dự kiến họp thẩm tra nội dung này trong chiều nay (28/12).

Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 - 6 làn xe, các đoạn cửa ngõ đô thị quy mô 8 - 10 làn xe.

Dự án cao tốc giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội khóa XIV đã thông qua chủ trương tại kỳ họp thứ 4, với tổng chiều dài 654 km, chia thành 11 dự án thành phần (gồm 8 dự án đầu tư theo phương thức PPP và 3 dự án đầu tư công).

Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến đầu tư 729 km cao tốc trên các đoạn Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh) - Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần và có thể vận hành khai thác độc lập. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng.

 
Cao tốc La Sơn-Túy Loan, nối Thừa Thiên Huế với TP Đà Nẵng. Ảnh: Võ Thạnh

Cao tốc La Sơn-Túy Loan, nối Thừa Thiên Huế với TP Đà Nẵng. Ảnh: Võ Thạnh

Do khó khăn trong việc huy động vốn, Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Thời gian chuẩn bị dự án năm 2021-2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022-2023; khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ sẽ là đầu mối tổ chức dự án. Tuy nhiên, trong 4 năm tới, bình quân mỗi năm Bộ phải giải ngân hơn 90.000 tỷ đồng/năm. Đây là một thách thức rất lớn trong việc bảo đảm hoàn thành tiến độ các dự án và giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Do vậy, Chính phủ đề xuất những địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình sẽ được xem xét giao đầu tư dự án thành phần thuộc địa giới hành chính của địa phương đó.

Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ

Dự thảo nghị quyết một số cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ tại phiên họp thứ 6, sáng 10/12. Trong đó, đề xuất áp dụng cơ chế ưu đãi cho một số dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chính phủ cũng đề xuất cơ chế ưu đãi về thủ tục hải quan, thời hạn nộp thuế... khi đầu tư vào Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại TP Cần Thơ.

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét cơ chế thí điểm cho phép TP Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức trong nước và từ nguồn Chính phủ cho vay lại từ nguồn nước ngoài. Tổng mức dư nợ vay không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

Hằng năm, ngân sách trung ương sẽ bổ sung cho Cần Thơ không quá 70% số tăng thu từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương - địa phương và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%.

Ngoài ra, Cần Thơ được điều chỉnh mức thu, tỷ lệ thu một số loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục của Luật Phí và lệ phí. Thành phố sẽ được hưởng toàn bộ số thu tăng thêm từ các khoản này...

 
Đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tháng 7/2021. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tháng 7/2021. Ảnh: Media Quốc hội

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật

Theo tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội; nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Việc này cũng nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, thi hành án dân sự, thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất, sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Tại phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ đã đề nghị Chính phủ hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động; bổ sung dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành kèm dự án Luật; rà soát các quy định được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp...

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, đa số các nội dung của kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ xem xét, cho ý kiến kỹ lưỡng, thận trọng, nhiều lần, cả tại phiên họp và bằng văn bản. Công tác chuẩn bị về điều kiện bảo đảm đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ họp.

"Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện các nội dung và cơ sở vật chất kỹ thuật, an ninh, an toàn để bảo đảm kỳ họp bất thường đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV diễn ra thành công tốt đẹp", ông Cường nói.

Tác giả bài viết: Theo https://vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây