Thời gian qua, Sở Công Thương đã tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực tế, hỗ trợ DN và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, trao đổi với Báo Bình Ðịnh xung quanh vấn đề này. ● Được biết, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều đoàn công tác trực tiếp làm việc với các DN, hiệp hội, ngành hàng để nắm bắt tình hình khó khăn do dịch Covid-19 nhằm có hướng hỗ trợ. Tình hình đến nay như thế nào, thưa ông ? - Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN như: Tạo điều kiện để DN, người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ khi gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đề nghị cơ quan BHXH, Cục Thuế tỉnh xem xét các chính sách miễn, giảm, giãn thời gian nộp các khoản thuế, các khoản đóng BHXH cho các DN.
Đồng thời, Sở Công Thương đã đề nghị UBND tỉnh xem xét áp dụng việc giảm tiền thuê đất 15% cho các DN có đề nghị theo Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ; đề nghị Ngân hàng Nhà nước cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với các DN sản xuất, phân phối hàng thiết yếu trong tình hình dịch bệnh Covid-19; chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ các chính sách về vay mới, miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay. Ngoài ra, còn đề nghị các sở, ngành tạm hoãn các đợt thanh tra, kiểm tra để DN tập trung sản xuất; chủ động rà soát các khoản phí, lệ phí để giảm mức thu phí, lệ phí theo Thông tư 47/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính… ●Qua thực tế kiểm tra của Sở Công Thương và trực tiếp tham gia đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh làm việc với nhiều DN về phòng, chống dịch Covid-19, ông có nhận xét gì về việc DN chấp hành các quy định phòng, chống dịch? - Hiện nay, DN đều phải tuân thủ theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động”; Quyết định số 2787/QĐ-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có các trường hợp mắc bệnh Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và khu công nghiệp; Công văn số 5522/BYT-MT của Bộ Y tế về việc ban hành mẫu kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 cho cơ sở sản xuất kinh doanh và mẫu cam kết phòng, chống dịch tại khu nhà trọ cho người lao động. Qua kiểm tra thực tế, phần lớn DN đều đã chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Tuy nhiên, một số DN không có nhân sự chuyên trách bộ phận y tế, nên việc triển khai chưa đáp ứng yêu cầu. Một số DN quy mô nhỏ nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa chú trọng công tác phòng, chống dịch. Có những DN tuân thủ giãn cách khi sản xuất nhưng lại tập trung đông người vào giờ ăn trưa, sử dụng chung các vật dụng cá nhân trong khi ăn uống, dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo. Rất ít DN treo, dán các thông tin hướng dẫn về thực hiện phòng, chống dịch để tuyên truyền cho người lao động. Tỷ lệ các DN chủ động duy trì việc thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 định kỳ cho người lao động chưa cao... Một vấn đề nổi lên qua kiểm tra là đa số DN bố trí phòng cách ly nằm trong khuôn viên sản xuất, tòa nhà làm việc, nếu xảy ra ca nghi nhiễm thì sẽ dẫn đến việc cách ly cả khu vực này, dẫn đến nguy cơ đứt gãy sản xuất và đình trệ hoạt động DN. Sở đã hướng dẫn các DN bố trí lại phòng cách ly nằm ngoài phạm vi khu vực sản xuất và đảm bảo đầy đủ trang bị phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. ●UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương xây dựng Đề cương phương án “3 tại chỗ” và phương án “1 cung đường, 2 địa điểm” để hướng dẫn DN trong phòng, chống dịch. Việc này thực hiện ra sao, thưa ông ? - Sở Công Thương hoàn thành dự thảo đề cương phương án “3 tại chỗ” và phương án “1 cung đường, 2 địa điểm”, ngày 9.8 đã gửi văn bản cho Sở Y tế, Sở GTVT và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để lấy ý kiến góp ý và hoàn chỉnh. Nội dung đề cương vừa đảm bảo các quy định vừa phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại của các DN, bao gồm: Các yêu cầu khi thực hiện phương án; hướng dẫn DN xây dựng chi tiết kế hoạch sản xuất, ăn uống, ngủ nghỉ cho công nhân, kế hoạch vận chuyển người lao động, vận chuyển nguyên vật liệu và các vấn đề khác có liên quan. Sau khi đề cương được UBND tỉnh thông qua, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, các hiệp hội, ngành hàng triển khai đến tất cả các DN nằm ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, yêu cầu chủ động xây dựng chi tiết phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” theo hướng dẫn và phù hợp tình hình, điều kiện thực tế của từng DN để thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các DN do Sở Công Thương chủ trì sẽ tăng cường kiểm tra, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN khi thực hiện để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết tháo gỡ. - Xin cảm ơn ông!