Sáng 10.7, tại TP Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên toàn quốc. Tham dự tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Chiến dịch, nhiều bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để thực hiện Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử (mục tiêu tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho tất cả người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên), với phương châm : “Tiêm đến đâu an toàn đến đó, không bỏ phí bất cứ một liều vắc xin nào, không lãng phí bất cứ một đồng nào của Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 ở Việt Nam”.
Điểm cầu tỉnh Bình Định tại phòng họp trực tuyến Bộ CHQS tỉnh.
Chiến dịch này có nhiều điểm mới so với các chiến dịch tiêm chủng trước đây như: Thiết lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vắc xin dưới sự điều hành của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, vắc xin được đảm bảo chất lượng và vận chuyển nhanh nhất từ các kho trung tâm; giám sát toàn bộ quy trình bảo quản, vận chuyển và tổ chức tiêm; quản lý điều hành trực tuyến quá trình tiêm chủng... Chiến dịch huy động tổng lực hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước từ Trung ương đến địa phương. Bộ Y tế và Ban chỉ đạo Chiến dịch mong muốn nhận được hưởng ứng tích cực và hợp tác kịp thời, hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền, bộ, ngành, đoàn thể chính trị xã hội, cùng toàn thể nhân dân.
Dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chiến dịch nhằm khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân trong việc kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết; đưa đất nước trở lại bình thường, phát triển theo mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Theo Thủ tướng Chính phủ, Đảng, Nhà nước quyết tâm thực hiện chiến lược vắc xin tập trung vào các nội dung chính: Nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vắc xin trong nước... với mục tiêu tiêm miễn phí hàng năm cho nhân dân để đạt được miễn nhiễm cộng đồng trong toàn quốc. Dự kiến, thực hiện tiêm cho khoảng 75 triệu người dân Việt Nam với trên 150 triệu mũi tiêm vào nửa cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Từ rất nhiều nỗ lực của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành liên quan trong ngoại giao vắc xin, đặc biệt nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất có thể nên Việt Nam đã có cam kết được viện trợ, ký hợp đồng cung ứng hơn 100 triệu liều vắc xin trong năm 2021. Việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin ở trong nước đang có những bước tiến rất tích cực... Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Vắc xin được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt và hiệu quả. Phải tổ chức điều phối tiêm thật tốt, trong đó Bộ Y tế là nòng cốt phối hợp với các bộ, ngành, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội, địa phương liên quan... Đặc biệt, thời gian tới khi lượng vắc xin về nhiều cần xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm chủng đảm bảo nhanh chóng và an toàn, hiệu quả nhất cho nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể nhân dân để chiến thắng dịch bệnh; đồng thời không chủ quan sau tiêm mà cần thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch...