Nhiều ngành vào cuộc
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, đến nay địa phương này đã ứng ngân sách chi hỗ trợ nhóm đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68 đến hơn 3.500 người, với tổng kinh phí 5,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, BHXH tỉnh đã hướng dẫn gần 3.100 doanh nghiệp triển khai nhanh chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với hơn 71.000 người lao động.
Tổng số tiền (tạm tính) được giảm trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021) là 20,5 tỷ đồng.
Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định thẩm định hồ sơ đề nghị của 50 lao động là viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, với kinh phí 185,5 triệu đồng.
Sở Du lịch kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị của 82 lao động là hướng dẫn viên du lịch, với kinh phí hơn 300 triệu đồng, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xét duyệt, thẩm định 9 hộ kinh doanh, kinh phí hỗ trợ là 27 triệu đồng.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định đã giải ngân vay vốn để trả lương ngừng việc đối với 15 doanh nghiệp/gần 600 lao động. Tổng số vốn vay đã giải ngân gần 4 tỷ đồng.
Đặc biệt, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ vay đối với người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngân sách tỉnh bổ sung, ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội 50 tỷ đồng để thực hiện cho vay duy trì, mở rộng việc làm đối với đối tượng bị ảnh hưởng đại dịch.
Rút gọn thủ tục
Trao đổi với Dân trí về việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ tại địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long khẳng định tỉnh đang chỉ đạo tích cực các cấp, ngành khẩn trương thực hiện hỗ trợ 11 đối tượng theo Nghị quyết. Tinh thần là triển khai một cách nhanh nhất, với thủ tục rút gọn nhất.
"Hiện nay, các địa phương, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ngân hàng Chính sách đã triển khai rất tích cực, đã có những hồ sơ được giải ngân", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết.
Riêng với đối với nhóm đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo trước mắt tạm ứng ngân sách tỉnh để giải quyết cho người lao động.
Ngoài đối tượng này, tỉnh cũng bổ sung 6 nhóm đối tượng có điều kiện lao động rất khó khăn như: Người bán vé số, xe ôm và một số đối tượng khác.
"Tỉnh đặt mục tiêu trong 20 ngày phải thực hiện xong việc chi trả đến nhóm đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68. Các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện", ông Nguyễn Phi Long thông tin.
Tác giả bài viết: Theo dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn