Pháp luật nghiêm ngặt, chuẩn chỉ thì xã hội mới kỷ cương, trật tự
Thứ hai - 20/03/2023 07:23
Đó là quan điểm của Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh khi trao đổi với PV Báo Bình Định trước phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 20.3.2023. ● Theo bà, hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa như thế nào? - Theo tôi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi chọn 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát cho hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 21. Đây là 2 lĩnh vực đóng vai trò nòng cốt, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm hiện nay.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh tham gia thảo luận tại một kỳ họp Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Thực tiễn xã hội thời gian qua cho thấy, một trong những vấn đề quan trọng mang tính cấp bách đặt ra là cải cách tư pháp, đổi mới hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trong đó, trọng tâm là từng bước làm cho hệ thống pháp luật của chúng ta ngày càng đầy đủ, khoa học, chuyên nghiệp, mang tính hiệu lực, hiệu quả cao. Tôi cho rằng, luật pháp nghiêm ngặt, chuẩn chỉ, khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn sẽ giúp cho xã hội trật tự, kỷ cương, vận hành theo chiều hướng ngày càng tốt đẹp hơn. ● Với 2 lĩnh vực tòa án và kiểm sát, dư luận địa phương và cử tri hiện nay quan tâm nhất là gì, thưa bà? - Bình Định đang trên đà phát triển, với rất nhiều công trình, dự án đang triển khai. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được chú trọng, tiến độ được cập nhật, giám sát hằng ngày, hằng tuần. Cùng với đó, số vụ việc khiếu kiện liên quan đến đất đai cũng nhiều lên. Trên thực tế, trong nhiều vụ việc tranh chấp dân sự, người dân lại gây áp lực, yêu cầu chính quyền phải giải quyết. Vấn đề đặt ra ở đây là phải làm cho người dân hiểu được chức năng, vai trò của tòa án; từ đó vừa xét xử, giải quyết dứt điểm vụ việc đúng theo quy định của pháp luật, vừa góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật. Để góp phần giải quyết tốt các vụ khiếu nại, tố cáo, hạn chế vượt cấp, kéo dài và nâng cao hiệu quả xét xử, một trong những giải pháp quan trọng là liên thông cơ sở dữ liệu giải quyết khiếu nại, tố cáo với cơ quan xét xử. Đây là yêu cầu mang tính khách quan trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, cần tập trung mở rộng, thực hiện hiệu quả hơn nữa các phiên tòa trực tuyến để kết nối nhiều chủ thể ở nhiều không gian khác nhau. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu giám sát chặt chẽ diễn biến phiên tòa của những người có trách nhiệm khi không có điều kiện có mặt trực tiếp ở hiện trường xét xử. ● Vậy, bà kỳ vọng gì trước hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội? - Với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát được chọn để chất vấn lần này, tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng các đại biểu sẽ chất vấn rõ ràng, trực tiếp đi vào những khó khăn, vướng mắc cụ thể hiện nay. Từ đó, những người có trách nhiệm và những người có liên quan sẽ trả lời thẳng thắn, không né tránh những vấn đề phức tạp, những tồn tại, vướng mắc từ thực tiễn xây dựng và thi hành pháp luật. Có vậy mới giúp chúng ta nhìn thẳng vào thực tế, làm cho công tác lập pháp ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. ● Xin cảm ơn bà. MAI LÂM (Thực hiện)