Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tinh giản chương trình, tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên và học sinh

Thứ hai - 22/06/2020 17:00
Ngày 22/6, tại Bình Định, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với Ban Thường trực MTTQVN tỉnh và các Tổ chức thành viên Mặt trận tỉnh sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời ý kiến cử tri tại hội nghị.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời ý kiến cử tri tại hội nghị.
Hội nghị với sự tham dự của ông Lê Kim Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định; ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ĐBQH tỉnh Bình Định, bà Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH và các vị đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Định. Tại cuộc tiếp xúc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã giải đáp những thắc mắc của cử tri liên quan đến lĩnh vực giáo dục.

Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Cảnh Huệ - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa xã hội (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định) khẳng định, cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao về việc kịp thời cho học sinh nghỉ học để tránh dịch bệnh Covid-19 và tổ chức cho học sinh đi học trở lại. Trong đó, có sự linh hoạt phương thức đào tạo trực tuyến, đặc biệt là lớp cuối cấp là 9 và 12.

Cử tri rất quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới diễn ra một cách công bằng, an toàn để học sinh và phụ huynh yên tâm. Đây chính là cơ sở để các trường Đại học lựa chọn được những sinh viên xứng đáng.

Ông Võ Xuân An – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật (UBMTTQ tỉnh Bình Định),  đặt câu hỏi về việc lựa chọn sách giáo khoa mới cho các cấp học. Bên cạnh đó, vấn đề thi THPT thì giao cho tỉnh chịu trách nhiệm, còn tuyển sinh vào Đại học thì giao các trường Đại học chịu trách nhiệm. 

Trả lời về các vấn đề này, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, trong dịch Covid-19 vừa qua, lĩnh vực giáo dục bị ảnh hưởng rất nặng nề. Đối tượng phần lớn là trẻ em, quy mô học trong ngay trong trường, lớp. 

Bộ GD&ĐT đã xây dựng một lộ trình điều chỉnh khung chương trình linh hoạt. Vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc cũng đảm bảo tính cụ thể của từng địa phương. Ngành giáo dục đã tinh giản chương trình, giữ những kiến thức thật cốt lõi. Đồng thời, áp dụng chương trình dạy, học trực tuyến và trên truyền hình. Mặc dù có thể chưa đạt được như mong muốn nhưng giải pháp này đem lại hiệu quả tốt.

“Đối với những lớp cuối cấp như lớp 9, lớp 12. Bộ GD&ĐT đã 2 lần ban hành đề thi, bài thi tham khảo, để qua đó các giáo viên và học sinh bám sát ôn tập. Cho đến thời điểm này, giáo viên và học sinh yên tâm ôn tập”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

“Trước diễn biến của dịch Covid 19. Bộ GD&ĐT đã thành lập Ban chỉ đạo. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên và các cán bộ nhân viên. Đồng thời vẫn thực hiện nhiệm vụ dạy và học trực tuyến để đảm bảo kiến thức cơ bản cho học sinh - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ".

Kỳ thi THPT năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nội dung thi sẽ gọn lại. Nguyên tắc học gì thi đó. Trong quá trình chuẩn bị phải có đề thi tham khảo, và quy chế thi phải thuận lợi cho người học. 

Khi học sinh quay trở lại lớp, các trường tập trung củng cố kiến thức cho học sinh. Đến nay nhiều Sở GĐ&ĐT báo cáo trong thời gian nghỉ dịch bệnh những kiến thức cơ bản đáp ứng tốt.

Bộ GD&ĐT dự thảo lấy ý kiến các địa phương để nghiên cứu về chương trình nghỉ hè theo kế hoạch năm học là 15/7/2020. Bộ tiếp tục rà soát để tinh giản chương trình đảm bảo gọn, chất lượng; tăng thời gian cho giáo viên và học sinh có thời gian nghỉ hè và các hoạt động trải nghiệm...

Bộ trưởng cho rằng, tiếp tục phát huy ưu điểm của dạy trực tuyến, quan niệm đây không phải là phương thức tạm thời, mà phải phát triển lên thành phương thức tốt bổ trợ cho phương thức học truyền thống;  để nâng cao chất lượng, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó tiết kiệm thời gian.

“Một kỳ thi nghiêm túc có độ phân hóa để phân loại học sinh, căn cứ vào đó các trường Đại học, Cao đẳng sử dụng kết quả để xét tuyển cùng với các phương thức khác theo quyền tự chủ. Chính vì vậy, ý nghĩa kỳ thi này rất lớn, đòi hỏi sự công bằng, khách quan - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ"

Vấn đề thi THPT năm 2020, không đơn thuần là để xét tốt nghiệp mà thực chất là đánh giá chất lượng sau 12 năm học, đáp ứng được chuẩn chương trình. Bên cạnh đó, qua kỳ thi này sẽ biết được giữa kết quả với nội dung phương pháp dạy học, từ đó điều chỉnh nội dung phương pháp.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT phân cấp, địa phương tổ chức nhưng Bộ GD&ĐT vẫn chịu trách nhiệm chỉ đạo chung. Trong đó có ban hành quy chế thi, đề thi và phần mềm chấm thi, tập huấn cho cán bộ coi thi, chấm thi...

“Kỳ thi năm nay điểm mới là huy động cả Thanh tra Nhà nước và Thanh tra tỉnh cùng tham gia. Bộ GD&ĐT có kế hoạch  kiểm tra phổ điểm thi với kết quả học bạ để thấy được chất lượng thực chất của các thí sinh.” Bộ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh.

Về vấn đề chọn sách giáo khoa không nhất thiết chỉ có một mà một chương trình có một số sách giáo khoa. Ở đó huy động rất nhiều người tham gia trên cơ sở yêu cầu của chương trình và Bộ GD&ĐT đứng ra thẩm định. Tất cả các sách SGK phải theo chuẩn của kiểm định ban hành.

Quá trình thực hiện đã thu hút và tập hợp được rất nhiều khoa học, nhà giáo tâm huyết và biên soạn được 5 bộ để thẩm định. Có 5 bộ sách cho các địa phương tự chọn. Trên một địa bàn có thể là 3-5 sách. Các kỳ thi sẽ dựa trên chương trình chứ không phải trên sách giáo khoa.

“Khi được phê duyệt các bộ sách đều sử dụng được trong nhà trường, còn việc lựa chọn là của các địa phương phù hợp với điều kiện của mình. Đây là lần đầu tiên chúng ta áp dụng một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ".

Nguồn tin: Theo Báo Giáo dục & Thời đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây