TỔNG HỢP NỘI DUNG TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI TRƯỚC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XV

Thứ năm - 06/04/2023 09:24
TỔNG HỢP NỘI DUNG TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI
TRƯỚC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XV
(Theo Văn bản số 136/ĐĐBQH-CTQH ngày 30/12/2022)
Câu 1: Theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hoá để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, tại Điều 2 quy định: “…Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng…..” nhưng không hướng dẫn cụ thể về việc xác định ngân sách cho y tế dự phòng dẫn đến khó thực hiện việc phân bổ kinh phí để đảm bảo tỷ lệ 30% theo quy định. Cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét quy định cụ thể về nội dung trên để địa phương triển khai thực hiện.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 564/BYT-VPB1 ngày 09/02/2023 của Bộ Y tế như sau:
Thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hoá để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 26/02/2014 quy định nội dung, nhiệm vụ chi y tế dự phòng. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm bảo đảm ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BYT-BTC cho các cơ sở y tế dự phòng và các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng thuộc địa phương quản lý; các nhiệm vụ chi do ngân sách địa phương bảo đảm cho các chương trình, dự án có tính chất y tế dự phòng, các Chương trình mục tiêu Quốc gia trong lĩnh vực y tế dự phòng (nếu có) theo Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Bộ Y tế trân trọng đề nghị cử tri tỉnh Bình Định có ý kiến thêm với Ủy ban nhân dân tỉnh để bảo đảm ngân sách địa phương để thực hiện theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội nêu trên.
Câu 2: Hiện nay, tại địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; vì Nghị định chưa đề cập đến việc tự chủ về tổ chức, bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 theo hướng bổ sung quy định cụ thể cơ chế tự chủ về tổ chức, bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 1323/BTC-HCSN ngày 13/02/2023 của Bộ Tài chính như sau:
1. Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay được quy định tại 02 Nghị định: Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Đối với cơ chế tự chủ tài chính, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Thông tư số 56/2022/TT-BTC, Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện và có kế hoạch trong năm 2023 trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn.
3. Nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định về cơ chế tự chủ tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Nội vụ chủ trì trình Chính phủ ban hành và thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Do đó, đề nghị Ban Dân nguyện chuyển kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định để Bộ Nội vụ trả lời theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Câu 3: Theo hồ sơ thiết kế của Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, việc sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 19 (đoạn qua địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) theo thiết kế sẽ nâng độ nền cao hơn đường hiện trạng khoảng từ 2m - 3,5m ở vị trí đoạn từ cầu Bầu Sen đến cầu Ba La (từ Km50+200 - Km51+500) và đoạn từ cầu Lò Gốm (Km52+840) đến chợ Đồng Phó. Các hộ dân sống dọc theo tuyến đường này rất lo lắng vì nhà ở sẽ thấp hơn đường rất nhiều gây khó khăn cho đời sống và sinh hoạt. Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ngành chức năng thông tin cụ thể cho người dân địa phương biết cơ sở lựa chọn thiết kế nâng cao độ nền lên 2m - 3,5m ở tuyến đường này; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ và có biện pháp thi công phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông và đảm bảo việc đi lại sinh hoạt, kinh doanh của người dân nhất thời điểm chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc Quý Mão năm 2023.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 2386/BGTVT-CQLXD ngày 10/3/2023 của Bộ Giao thông vận tải như sau:
Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Quốc lộ 19 vốn vay WB (sau đây viết tắt là Dự án) là một trong các Dự án quan trọng được đầu tư nhằm góp phần nâng cao năng lực vận hành, khai thác, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến QL19. Sau khi Dự án hoàn thành sẽ góp phần tăng cường khả năng kết nối hệ thống giao thông khu vực Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung và kết nối với các nước bạn Lào, Campuchia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bộ GTVT đã tập trung quyết liệt, chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 (Chủ đầu tư Dự án) và các đơn vị liên quan nỗ lực triển khai thực hiện, hiện các gói thầu đang triển khai thi công đồng loạt, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến cao độ thiết kế nền đường đoạn Km50+000 - Km53+000, Quốc lộ 19 (đoạn qua địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) thuộc Dự án. Theo báo cáo[1] của Chủ đầu tư: “Tại đoạn tuyến nêu trên, Hồ sơ Thiết kế được phê duyệt đã nghiên cứu, tính toán cao độ thiết kế phù hợp với quy định về khảo sát, yêu cầu tính toán cao độ nền đường, cao độ mặt cầu theo tần suất thủy văn tính toán, đảm bảo các yêu cầu thoát nước, biến đổi khí hậu,... Quá trình nghiên cứu, giải pháp thiết kế đã được Chủ đầu tư, Tư vấn thiết kế phối hợp với chính quyền địa phương (UBND huyện Tây Sơn, UBND xã Tây Giang) để báo cáo và thống nhất phương án thiết kế[2]”. Mặt khác, trong quá trình thiết kế Ngân hàng Thế giới (Nhà tài trợ Dự án) yêu cầu bổ sung các nội dung có xét đến kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Vì vậy, cần phải tính toán tôn cao mặt đường cho phù hợp, tránh gây ngập úng ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.
Để giải quyết kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT đã chỉ đạo Chủ đầu tư khẩn trương kiểm tra hồ sơ thiết kế, thực tế hiện trường, phối hợp với các địa phương nơi dự án đi qua, tổ chức đối thoại, tuyên truyền, vận động người dân hiểu và đồng thuận với giải pháp thiết kế (nâng cấp, mở rộng tuyến đường) để dảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của Dự án. Ngày 05/01/2023, Chủ đầu tư, Tư vẫn thiết kế, Nhà thầu và các cơ quan của địa phương (Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Tây Sơn, Khu Quản lý đường bộ III) đã làm việc, rà soát cơ sở chọn phương án thiết kế để thống nhất giải pháp xử lý phù hợp với thực tế và các yêu cầu kỹ thuật liên quan.
Bộ GTVT đang chỉ đạo Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với địa phương, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành Dự án, đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu kinh tế - kỹ thuật, thi công cuốn chiếu theo từng hạng mục, từng đoạn tuyến, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông và sinh hoạt của nhân dân.
Câu 4: Hiện nay, Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 đã bị bãi bỏ theo Thông tư số 28/2020/TT-BYT của Bộ Y tế nên khó khăn trong xây dựng định mức biên chế, cơ cấu nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, việc phân định định mức biên chế thuộc lĩnh vực dự phòng hay điều trị để có chính sách tiền lương tương ứng (từ nguồn ngân sách Nhà nước hoặc từ nguồn thu sự nghiệp) vẫn chưa rõ ràng nên khó khăn trong việc thực hiện. Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định: “Chậm nhất đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2021, Bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý”. Vì vậy, cử tri kiến nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ Nội vụ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn định mức biên chế cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập để địa phương có cở sở triển khai thực hiện.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 883/BYT-VPB1 ngày 23/02/2023 của Bộ Y tế như sau:
Thực hiện quy định của Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập, có hiệu lực thi hành từ ngày 05/4/2023. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp y tế công lập  sẽ căn cứ vào các quy định tại Thông tư để triển khai thực hiện.
 
[1] Văn bản số 172/BQLDA2-PID4 ngày 08/02/2023 của Ban QLDA 2. 2 * Văn bản số 893/BGTVT-CQLXD ngày 03/02/2023 của Bộ GTVT. * Biên bản về việc xử lý cao độ nền dường của tuyến QL19 thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (đoạn qua huyện Tây Sơn) ngày 05/01/2023.
[2] Biên bản cuộc họp ngày 22/09/2020 gồm các đơn vị: UBND huyện Tây Sơn, UBND xã Tây Giang, UBND xã Tây Thuận, Ban QLDA 2, Tư vấn thiết kế.

Tác giả bài viết: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây